Khách hàng có được giảm tiền nếu áp dụng biểu giá điện mới?

Trung Hậu - Văn Lương-Thứ bảy, ngày 15/08/2020 06:07 GMT+7

VTV.vn - Theo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Bộ Công Thương đang dự thảo đưa ra, nhiều ý kiến băn khoăn người tiêu dùng liệu có được giảm chi phí tiền điện.

Bộ Công Thương đã chính thức lấy ý kiến dự thảo lần 1 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28 năm 2014. Tại dự thảo này, Bộ Công Thương đưa ra 2 phương án giá điện sinh hoạt.

Một là phương án giá điện sinh hoạt từ 6 bậc hiện hành còn 5 bậc. Hai là, Bộ Công Thương đề xuất phương án áp dụng song song cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt 5 bậc và giá bán lẻ điện một giá. Đây là phương án mới chưa từng xuất hiện trong các dự thảo trước đó của Bộ Công Thương.

Theo đó, đối với cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt, dự thảo đề xuất 2 phương án lựa chọn. Cụ thể như sau:

Phương án 1: Biểu giá điện sinh hoạt 5 bậc đề xuất

Bậc 1: Từ 0-100kWh

Bậc 2: Từ 101-200kWh

Bậc 3: Từ 201-400 kWh

Bậc 4: Từ 401-700kWh

Bậc 5: Cho từ 701kWh trở lên

Trong đó, giá bậc 1 tương đương 90% so với mức giá bán lẻ điện bình quân và giá của bậc 5 tương đương 168% so với mức giá bán lẻ điện bình quân.

Phương án 2: Biểu giá điện 5 bậc và 1 giá đề xuất

Bậc 1: Từ 0-100kWh

Bậc 2: Từ 101-200kWh

Bậc 3: Từ 201-400 kWh

Bậc 4: Từ 401-700kWh

Bậc 5: Cho từ 701kWh trở lên

Giá bán lẻ điện 1 giá

Trong phương án này cho sinh hoạt để khách hàng lựa chọn sẽ bằng 155% giá bán lẻ điện bình quân.

Khách hàng có được giảm tiền nếu áp dụng biểu giá điện mới? - Ảnh 1.

Bộ Công Thương chính thức đưa ra lấy ý kiến dự thảo lần 1 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Ảnh minh họa.

Người tiêu dùng có được giảm chi phí tiền điện?

"Việc đưa ra đồng thời 2 phương án như dự thảo của Bộ, đối với tôi là không hợp lý vì trong 2 phương án đó đều có cơ cấu bậc thang cộng với đồng giá. Hai cơ cấu bậc thang này nó giống nhau, điều đó có nghĩa là nếu như phương án bậc thang độc lập nó đã phù hợp rồi thì phương án bậc thang cộng đồng giá nó không còn phù hợp nữa.

Hơn nữa khi đưa ra lấy ý kiến thì sự phân tán về ý kiến của người tiêu dùng sẽ lớn hơn", PGS.TS Bùi Xuân Hồi - Chuyên gia về Năng lượng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội bày tỏ..

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nói: "Người có mức tiêu dùng thấp hiện nay chiếm 70 - 80% nếu chọn 1 giá sẽ thiệt".

Cùng với đó, theo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Bộ Công Thương đang dự thảo đưa ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng người tiêu dùng chưa chắc đã được giảm chi phí tiền điện. Do vậy các phương án giá điện, trong đó điện một giá đưa ra cần tính toán hợp lý, đảm bảo lợi ích giữa người tiêu dùng và ngành điện.

Khách hàng có được giảm tiền nếu áp dụng biểu giá điện mới? - Ảnh 2.

Hai phương án được nhiều chuyên gia và người dân đánh giá là rối thêm cách tính giá điện - vốn đang tồn tại nhiều bất cập thời gian qua. Ảnh minh họa.

Cũng có một số ý kiến cho rằng, lúc này chưa nên tính tới phương án một giá điện bởi cách này chỉ có lợi khi Việt Nam có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Trong khi đó, để tiến tới mục tiêu thị trường điện cạnh tranh thì phải cần thêm nhiều năm nữa.

Có thể thấy cả 2 phương án được cho là không những chưa giải quyết được tình trạng bức xúc của nhiều hộ sử dụng điện sinh hoạt khi hóa đơn tiền điện tăng sốc ở một số thời điểm, mà còn làm tăng thêm mối nghi ngờ về cách tính giá điện vốn đang tồn tại nhiều bất hợp lý thời gian qua.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước