Khách du lịch ồ ạt hủy tour
Chưa kịp "hoàn hồn "sau cú sốc COVID-19 hồi đầu năm, hiện nhiều công ty du lịch lại quay chong chóng lo tiền bồi hoàn cho khách khi 10 ngày qua, qua nhiều khách du lịch đã hoãn, hủy chương trình du lịch, dịch vụ đã đặt trước và yêu cầu hoàn tiền lại 100%.
Các doanh nghiệp lữ hành chịu áp lực rất lớn khi thực hiện việc hoàn tiền cho khách nhưng chưa được trả lại các khoản ứng trước, đặt cọc hoặc các khoản đã thanh toán dịch vụ cho nhà cung cấp vận chuyển, lưu trú, nhà hàng, hàng không…
Lo ngại dịch bệnh, nhiều khách du lịch đã hoãn, hủy chương trình du lịch, dịch vụ đã đặt trước. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Tính đến thời điểm này, 100% khách đã hủy tour đi Đà Nẵng. Tuy các điểm đến khác như: Nha Trang, Phú Quốc, Quy Nhơn... chưa có dịch, nhưng do tâm lý lo ngại dịch COVID-19, khách cũng đồng loạt hủy tour theo phản ứng dây chuyền. Chỉ trong những ngày cuối tháng 7, trên 35.000 khách tại TP.HCM hủy tour, con số này tại Hà Nội là khoảng 32.000. Hiệp hội Lữ hành Khánh Hòa ước tính, lượng khách đoàn hủy tour đến đây lên đến 90%. Ước tính trong 3 tháng tới, lượng khách hoãn, hủy tour lên tới 80% - 90%. Thiệt hại ước tính vài trăm tỷ đồng.
Áp lực "đè" lên các công ty lữ hành
Ngành công nghiệp du lịch được cấu thành bởi 5 thành phần chính: lữ hành - vận chuyển - điểm đến - lưu trú - dịch vụ, trong đó lữ hành là khâu hết sức quan trọng, kết nối khách du lịch với tất cả các bộ phận còn lại một cách tổng thể. Vì vậy những ngày qua, khi khách đồng loạt hủy tour, đòi hoàn tiền, áp lực trực tiếp đè lên các công ty lữ hành và đây là câu chuyện cần phải giải quyết bằng cả lý và tình, không hề đơn giản.
Khoảng 1 tuần trở lại đây, Công ty lữ hành Ascend Travel phải dàn xếp trả lại tiền cọc cho rất nhiều khách hủy tour. Các điểm đến bắt đầu vắng khách, lượng tiền cọc lên tới hàng tỷ đồng.
Khách du lịch đeo khẩu trang tham quan tại Nha Trang (Khánh Hòa) ngày 27/7. (Ảnh: Dân trí)
Khách đòi tiền cọc, các đơn vị cung cấp dịch vụ như hàng không, khách sạn chưa thể hoàn trả ngay số tiền này. Nhiều hãng hàng không chủ động cho khách đổi lịch trình sang thời gian khác, nhưng với những khách không đặt vé ở cùng một hãng bay, việc đổi vé gặp nhiều khó khăn.
Hiện việc hoàn trả các thủ tục này đang mạnh ai nấy làm, chưa có một chính sách thống nhất tạo thuận lợi cho cả bên bán và bên mua dịch vụ.
Vừa qua, du lịch nội địa đang ở giai đoạn kích cầu, các hãng hàng không, công ty du lịch, khách sạn… hầu như chưa có lợi nhuận. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no", thời điểm này, mỗi sự chia sẻ của chính các đơn vị du lịch và khách hàng đều đáng quý hơn bao giờ hết. Vài triệu đồng đặt cọc có thể không ảnh hưởng đến chi tiêu thường xuyên của du khách, nhưng quyết định hủy hay hoãn tour sẽ tác động rất khác nhau đến số phận của doanh nghiệp.
Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm rất cần sự liên kết, chung tay chia sẻ để bảo toàn sức sống cho ngành công nghiệp không khói, đóng góp tới gần 9% GDP và tạo công ăn việc làm cho 4,5 triệu lao động trong cả nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!