Chính sách hỗ trợ nếu chậm đi vào cuộc sống sẽ lạc lõng với thời cuộc
Khi nhiều trường đại học, cao đẳng và dạy nghề trên cả nước lên phương án dạy và học trực tiếp trở lại, Bộ Tài chính mới phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng quyết định về việc cho học sinh, sinh viên vay vốn ưu đãi để mua máy tính phục vụ học tập trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Sự lệch pha với độ trễ thời gian lên tới cả năm một lần nữa cho thấy chính sách hỗ trợ nếu chậm đi vào cuộc sống, ban hành sai thời điểm sẽ không những chẳng phát huy được hiệu quả, mà còn lạc lõng với thời cuộc.
Học trực tiếp đang được nối lại, nhưng xây dựng cơ chế cho học sinh, sinh viên vay ưu đãi mua máy tính để học trực tuyến giờ mới đang được tiến hành. Chính sách luôn có độ trễ so với diễn biến dịch.
Sử dụng các công cụ tài chính tiền tệ để phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu được nêu ra trong Nghị quyết 11 của Chính phủ. Ảnh minh họa.
Trong gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng thì có 240 nghìn tỷ được lấy từ nguồn tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách. Bộ Tài chính cho biết, nguồn vốn luôn sẵn sàng, giờ chỉ chờ các gói hỗ trợ được thông qua là có thể giải ngân ngay. Còn cộng đồng doanh nghiệp hiện kỳ vọng, việc đưa nhanh nguồn vốn này ra sẽ là đòn bẩy quan trọng giúp họ có thêm cơ hội, nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh
Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đã đề ra các mục tiêu cụ thể với thời hạn thực hiện trong 2 năm 2022 - 2023 nên việc tổ chức triển khai nhanh chóng để đưa các chính sách hỗ trợ vào cuộc sống là quan trọng nhất.
"Yêu cầu lớn nhất hiện nay là các Bộ, ngành phải hết sức khẩn trương ngày đêm kịp thời thể chế hóa ban hành các quy định hướng dẫn để đưa các chính sách vào thực tế", ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các Bộ ngành được giao xây dựng chính sách triển khai các gói hỗ trợ cần tham vấn rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp và ghi nhận phản hồi vướng mắc từ thực tiễn để nhanh chóng có các sửa đổi, bổ sung kịp thời mới có thể giúp cho việc thực hiện chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế thực sự phát huy hết hiệu quả như mong muốn.
Thúc đẩy giải ngân vốn hỗ trợ phục hồi kinh tế
Trong gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế kinh tế quy mô 350 nghìn tỷ đồng có tới hơn nửa là dành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Đây là số tiền không nhỏ nên hiện có không ít lo ngại là làm sao có thể giải ngân đúng thời điểm, đúng tiến độ để phát huy hết hiệu quả của nguồn vốn này. Một lần nữa vấn đề có tiền nhưng làm sao để tiêu được tiền lại được đặt ra.
Theo nhiều nhà thầu xây dựng, gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế là một tin vui đối với họ. Tiền đã được phê duyệt, nhưng vấn đề mấu chốt hiện nay là phải triển khai các gói hỗ trợ nhanh và đồng bộ. Chẳng hạn việc khai thác vật liệu để triển khai các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam, nhiều địa phương hiện vẫn chậm trễ cấp phép.
Ông Nguyễn Khắc Mẫn - Đại diện Ban Quản lý dự án 1, Tổng Công ty Vinaconex cho biết: "Các tỉnh có thể tháo gỡ được việc phê duyệt các mỏ vật liệu đất thì đây sẽ là thời gian vàng cho việc thi công cao tốc Bắc - Nam bởi vì công tác nền không thể thi công trong mùa mưa được mà chúng ta cần phải tranh thủ mùa khô của đầu năm để kết thúc cho việc thi công nền, sau đó mới chuyển sang thi công mặt đường".
Trong công điện mới đây của Thủ tướng Chính phủ, giải ngân vốn đầu tư công cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng phải đẩy mạnh trong năm nay. Ảnh minh họa.
Năm nay, giai đoạn 2 của cao tốc Bắc - Nam gồm 12 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công tiếp tục được triển khai. Theo Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, việc phân chia hợp lý giá trị của các gói thầu là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp xây dựng có động lực tham gia, đảm bảo tiến độ thi công và giải ngân.
"Chúng tôi có kiến nghị Thủ tướng trong việc phân định các gói thầu nên từ 5 nghìn đến 10 nghìn tỷ đồng thì vừa sức với các nhà thầu Việt Nam và cũng phù hợp với quy mô vốn của các doanh nghiệp giao thông hiện nay", ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho hay.
Việc rà soát, đề xuất, gỡ vướng từ chính các nhà thầu thi công, địa phương, Bộ, ngành để đưa ra phương án tối ưu cho việc giải ngân nhanh, hiệu quả đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai ngay từ đầu năm.
"Bộ kế hoạch và Đầu tư đã có ngay văn bản hướng dẫn các bộ địa phương rà soát các danh mục của dự án đề xuất những mức vốn cụ thể để giao cho dự toán năm 2022 từ nguồn của Nghị quyết 43 để bố trí thực hiện giải ngân bổ sung ngoài nguồn đã có của năm 2022 .Với điều kiện các dự án được giao bổ sung này phải có khả năng thực hiện giải ngân rất nhanh cho năm 2022, đảm bảo giải ngân hết số vốn được giao bổ sung. Vì vậy, công tác rà soát cũng như công tác lập kế hoạch về mức vốn cụ thể của các Bộ, ngành địa phương rất quan trọng", ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Trong công điện mới đây của Thủ tướng Chính phủ, giải ngân vốn đầu tư công cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng phải đẩy mạnh trong năm nay. Trong đó, cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành là những công trình giao thông trọng điểm chiếm lượng vốn lớn.
Việc tích cực tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong quá trình triển khai cũng đang được cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!