Thời điểm trước dịch COVID-19, trong một tháng, Tổng Công ty May 10 sản xuất và xuất khẩu từ 200.000 - 250.000 chiếc áo sơ mi, thế nhưng con số này đã giảm còn 150.000 - 180.000 chiếc trong thời gian qua vì nhiều đơn hàng xuất khẩu bị hoãn, hủy nhiều trong tháng 5 - 6 vừa qua. Để bù đắp thiệt hại, doanh nghiệp đã phải chuyển hướng sản xuất thêm khẩu trang xuất khẩu.
Mặc dù Việt Nam đã sẵn sàng trở lại công cuộc sản xuất và phục hồi sản xuất phục vụ xuất khẩu, thế nhưng ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 toàn cầu đã khiến họ rơi vào tình trạng cung vượt cầu, loay hoay tăng thêm đầu ra cho sản phẩm may mặc truyền thống.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 toàn cầu, nhiều doanh nghiệp dệt may đã rơi vào tình trạng cung vượt cầu. (Ảnh: TTXVN)
Đại diện một doanh nghiệp chia sẻ, chưa bao giờ ngành dệt may chứng kiến cú sốc trong ngành khi liên tiếp các đơn hàng từ 3 thị trường lớn là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản bị hủy do giãn cách xã hội.
Mặc dù các quốc gia trên thế giới đã tích cực dẹp dịch, nhưng lượng đơn hàng đặt các công ty vẫn chủ yếu là khẩu trang, khẩu trang y tế, các sản phẩm truyền thống đã bắt đầu trở lại, nhưng không đáng kể. Cùng lúc, cú sốc đơn hàng sụt giảm, các doanh nghiệp còn phải đối diện với việc nguyên liệu khan hiếm.
Ngành dệt may Việt Nam gặp nhiều khó khăn do COVID-19. (Ảnh: Dân trí)
Trước những khó khăn kép đối với ngành dệt may, các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ mau chóng có những hoạt động thực tiễn để giúp họ xúc tiến thương mại sang các thị trường tiềm năng khác bên cạnh những thị trường truyền thống.
Cùng với đó, với đặc thù là ngành nhân công lớn, thậm chí có những doanh nghiệp lên đến 12.000 cán bộ công nhân viên nên việc miễn, giảm chi phí bảo hiểm xã hội cần đóng cho người lao động cũng là một biện pháp cấp thiết giúp doanh nghiệp tiết kiệm được cả chục tỷ đồng mỗi tháng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!