Theo thống kê trong 6 tháng đầu năm nay, ngành chế biến chế tạo đạt tốc độ tăng trưởng lên đến 4,96%. Con số tăng trưởng này cao gấp đôi mức tăng của toàn ngành công nghiệp. Trước giờ công nghiệp chế biến chế tạo vẫn được xem là điểm sáng và là động lực dẫn dắt toàn ngành công nghiệp đi lên.
Nếu xem ngành công nghiệp chế biến chế tạo là một ngôi nhà. Thì móng nhà, phần có thể nói quan trọng nhất, chính là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Và móng được kết lại từ nhiều mảnh ghép khác nhau. Tượng trưng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho từng ngành sản xuất như là cơ khí, ô tô, điện tử, dệt may…
Các mảnh ghép chưa đủ mạnh
Dù rất mạnh về dệt và may nhưng khâu nhuộm yếu khiến ngành dệt may Việt Nam như 1 chiếc kiềng chỉ có 2 chân. 90% sợi dệt ra của Việt Nam phải đem xuất đi Trung Quốc rồi lại nhập vải về để may áo. Và chiếc áo "Made in Vietnam" chỉ đang có khoảng 1 nửa là do doanh nghiệp Việt đóng góp.
Không chủ động được nguồn nguyên liệu, ngành dệt may Việt Nam được ví như 1 chiếc kiềng chỉ có 2 chân (Ảnh minh họa)
Trong khi đó với ngành công nghiệp oto, nếu ghép những bộ phận mà doanh nghiệp Việt đã có thể sản xuất thì chỉ 10% của chiếc oto có thể thành hình. Nội địa hóa giờ mới chỉ đang dừng ở những cấu phần nhỏ như săm lốp, ghế ngồi, gương kính, bộ dây điện… Còn những miếng ghép cốt lõi là động cơ, hệ thống điều khiển, truyền động vẫn đang phải đi nhập.
Công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí, một mảnh ghép lẽ ra phải chiếm vị trí đủ rộng trên nền móng này, khi mà cơ khí có mặt ở hầu hết các ngành sản xuất, ngành nào thì cũng cần máy móc, thiết bị để hoạt động. Nhưng một thực tế là, hiện ngành cơ khí trong nước chưa phát triển xứng với tiềm năng. Khả năng đáp ứng nhu cầu máy móc thiết bị cho các ngành sản xuất khác của cơ khí đang rất khiêm tốn chỉ khoảng 30%.
Khả năng đáp ứng nhu cầu máy móc thiết bị cho các ngành sản xuất khác của cơ khí đang rất khiêm tốn chỉ khoảng 30% (Ảnh minh họa)
Năm 2019, công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam bắt đầu xuất siêu. Mặc dù con số mới chỉ rất khiến tốn, ở mức 100 triệu USD, nhưng đã cho thấy năng lực của nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ được cải thiện, ít phụ thuộc hơn vào các nguyên phụ liệu, linh kiện nhập khẩu.
"Không chỉ một doanh nghiệp có thể làm nên được câu chuyện của toàn ngành chế biến chế tạo, mà cần sự liên kết của rất nhiều doanh nghiệp theo chuỗi giá trị và sự trưởng thành của các doanh nghiệp, từng doanh nghiệp trong ngành chế biến chế tạo sẽ tạo nên giá trị gia tăng lớn hơn cho toàn ngành và qua đó sẽ đóng góp lớn hơn cho nền kinh tế", bà Nguyễn Thị Xuân Thuý, Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương cho biết.
Cần một ngành công nghiệp hỗ trợ xứng tầm
Hiện công nghiệp chế biến chế tạo mới chỉ đóng góp được 16% cho GDP của Việt Nam. Trong khi muốn nền kinh tế đủ mạnh, công nghiệp hoá thành công, đặc biệt thoát bẫy thu nhập trung bình công nghiệp chế biến chế tạo phải duy trì mức đóng góp từ 20-25% vào GDP.
Tuy nhiên, nhà muốn lớn hơn thì trước hết phần móng phải chắc và rộng. Đồng nghĩa với việc ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ phải được phát triển xứng tầm.
Để ngành chế biến chế tạo đóng góp lớn hơn cho kinh tế Việt Nam rất cần một ngành công nghiệp hỗ trợ đủ mạnh
Muốn có những chỗ đứng quan trọng hơn trên những sản phẩm Made in Vietnam, doanh nghiệp Việt ngoài việc phấn đấu vào được chuỗi cung ứng của các FDI. Sẽ rất cần những doanh nghiệp Việt Nam có đủ tiềm lực, đứng ra làm đầu tàu, tự xây dựng nên chuỗi giá trị mới, đồng hành từ đầu, đến việc hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ, xây nên những doanh nghiệp hỗ trợ đủ mạnh...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!