Khi nào giá điện mới giảm?

Theo Dân trí-Thứ tư, ngày 09/09/2020 11:40 GMT+7

VTV.vn - Sau nhiều lần điều chỉnh, giá điện chỉ tăng. Giảm giá điện được trông chờ khi có thị trường bán lẻ cạnh tranh.

Năm 2024 sẽ có thị trường điện cạnh tranh

Theo số liệu của Bộ Công Thương, từ năm 2011 đến năm 2019, giá điện đã tăng từ 1.242 đ/kWh lên 1.864,44 đ/kWh sau 9 lần điều chỉnh.

Trong phiên giải trình tại Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết đến 2024, giá điện sẽ có tăng, có giảm, do thị trường quyết định.

Theo người đứng đầu ngành công thương, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện để từng bước hoàn thiện môi trường điện cạnh tranh. Đến nay môi trường phát điện cạnh tranh đã hoàn chỉnh, 94 nhà máy điện đã tham gia thị trường này. Môi trường bán buôn điện cạnh tranh từng bước được hoàn thiện.

PGS.TS. Trần Văn Bình, Viện Kinh tế và Quản lý (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, hiện quy định pháp lý là giá bán lẻ điện do Nhà nước điều tiết. Khi triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, vấn đề này sẽ thay đổi.

"Về lâu dài, khi thị trường điện được phát triển lên các cấp độ cao hơn, các khách hàng tiêu thụ điện sẽ có cơ hội được lựa chọn nhà cung cấp điện, cũng như được hưởng các lợi ích khác từ thị trường điện cạnh tranh", ông Bình nhận định.

Tuy nhiên khi bàn về việc giá điện có giảm không khi có thị trường điện bán lẻ cạnh tranh, ông Bình cho rằng điều này tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, mà quan trọng nhất là nguồn cung.

"Phần lớn lượng điện năng hiện đang được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu hóa thạch không tái tạo được như than đá, dầu mỏ, khí đốt. Than đang dần cạn kiệt, dầu cũng phải đi nhập. Thuỷ điện thì nhiều thời điểm khô hạn, dự án mới cũng khó phát triển", ông Bình nói.

Trong khi đó theo vị chuyên gia này, thị trường tiến tới phát triển năng lượng tái tạo thì giá thành đương nhiên đắt hơn các loại nhiệt điện, thuỷ điện…

Ông Bình cho rằng, nếu áp dụng điều chỉnh giá điện theo mùa (một năm 2 lần theo mùa) thì sẽ có tăng, có giảm trong năm. Tuy nhiên về xu hướng lâu dài, ông Bình không cho rằng giá điện bình quân có thể giảm.

"Phải nhấn mạnh lại là nguồn năng lượng đang dần cạn kiệt, dù là ở thị trường nào, có cạnh tranh hay không thì mục tiêu đặt ra cũng là việc tiết kiệm, hợp lý, không được lãng phí. Dù có thị trường điện cạnh tranh vẫn phải vận hành khai thác tối ưu, để cho con cháu sau này được dùng", ông Bình nói.

Khi nào giá điện mới giảm? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Dân trí).

Còn lo thiếu điện, khó nghĩ tới chuyện giá giảm

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, khi xây dựng được cơ chế thị trường cạnh tranh có tăng có giảm là đương nhiên. Tuy nhiên, ông Ngãi lưu ý, điện là loại hàng hoá đặc thù, không như các sản phẩm khác.

"Khi chuyển sang thị trường bán lẻ cạnh tranh, mỗi công ty bán lẻ điện sẽ phải tự cân đối chi phí sản xuất kinh doanh điện năng và tìm kiếm các nguồn điện giá rẻ. Lúc đó là thị trường bán lẻ cạnh tranh rồi, các doanh nghiệp cũng phải chú trọng việc cắt giảm chi phí để cạnh tranh lẫn nhau", ông Ngãi nói. Vị chuyên gia cho rằng, người mua lúc đó sẽ cảm thấy họ thoải mái hơn khi không còn độc quyền, được lựa chọn.

Còn về giá điện, ông Ngãi cho rằng đã là thị trường thì mua cao bán cao, các doanh nghiệp có thể cạnh tranh về giá, còn phía người mua cũng được quyền lựa chọn.

Tuy nhiên theo ông Ngãi, để có thị trường điện bán lẻ thuần thục, trơn tru cần một thời gian dài, có thể không dưới 10 năm. Theo kinh nghiệm quốc tế, lộ trình này thường kéo dài nhiều năm để đảm bảo sự phát triển ổn định, tránh xáo trộn.

Theo một chuyên gia ngành điện khác, thị trường điện Việt Nam được hình thành với xuất phát điểm khác rất nhiều so với các nước trên thế giới. Nhiều thị trường xuất phát từ tình trạng dư thừa nguồn cung, dẫn đến đòi hỏi một môi trường cạnh tranh rõ ràng hơn trong lĩnh vực phát điện, qua đó làm giảm chi phí mua điện và để giảm giá bán cho người tiêu dùng.

Trong khi đó, Việt Nam được vận hành trong bối cảnh dự phòng về nguồn điện không cao mà quan trọng hơn là tạo một sân chơi minh bạch nhằm thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực phát điện. Đồng thời xoá bỏ cơ chế độc quyền để người dân được lựa chọn.

Trong báo cáo trước phiên giải trình tại Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công Thương đã nêu rõ về nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể theo Bộ Công Thương, trong quá trình phát triển, ngành điện cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức và còn tồn tại những hạn chế. Những hạn chế này là nguyên nhân dẫn tới trong giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt điện năng.

"Nguyên lý cơ bản của thị trường là giá sẽ giảm khi nguồn cung dồi dào. Đang đứng trước nguy cơ thiếu điện, vậy chúng ta có nên trông chờ việc giá điện giảm hay không?", vị chuyên gia bày tỏ băn khoăn.

Bộ Công Thương: Giá điện hiện chưa đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư Bộ Công Thương: Giá điện hiện chưa đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư

VTV.vn - Theo Bộ Công Thương, hiện tại đầu tư tư nhân vào ngành điện chưa nhiều, nguồn lực tập trung chủ yếu từ vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước