Bộ Công Thương: Giá điện hiện chưa đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư

Theo Dân trí-Thứ tư, ngày 09/09/2020 09:14 GMT+7

Ảnh minh họa.

VTV.vn - Theo Bộ Công Thương, hiện tại đầu tư tư nhân vào ngành điện chưa nhiều, nguồn lực tập trung chủ yếu từ vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Giá điện tăng từ 1.242 đ/kWh lên 1.864,44 đ/kWh sau 9 năm

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây đã tổ chức phiên giải trình về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Báo cáo phục vụ phiên giải trình, Bộ Công Thương cho biết giai đoạn 2016-2020, việc đầu tư nguồn điện được thực hiện theo quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Do sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn năng lượng mặt trời vào các năm từ 2018-2020 nên xét trên tổng thể thì tổng công suất đặt của toàn bộ hệ thống đạt tới 94% tổng công suất nguồn điện cần đưa vào vận hành trong giai đoạn này.

Theo Bộ Công Thương, các nguồn điện truyền thống (than, khí, thủy điện - chủ yếu là nhiệt điện than) bị chậm tiến độ. Trong giai đoạn 2016-2020 khối lượng xây dựng nguồn điện truyền thống chỉ đạt khoảng 60% so với khối lượng quy hoạch.

Cũng theo số liệu của Bộ Công Thương, từ năm 2011 đến năm 2019 giá điện đã tăng từ 1.242 đ/kWh lên 1.864,44 đ/kWh sau 9 lần điều chỉnh.

Bộ Công Thương đánh giá việc điều chỉnh này cơ bản đảm bảo hoạt động kinh doanh của các đơn vị điện lực có lãi, là động lực quan trọng để thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế khác trong nước và ngoài nước tham gia đầu tư vào các dự án ngành điện.

Tính riêng cho EVN, giá trị khối lượng đầu tư toàn EVN lũy kế giai đoạn 2011-2020 dự kiến đạt 1.222.045 tỷ đồng. Giá trị đầu tư hàng năm của EVN bằng 8-10% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Đầu tư tư nhân vào ngành điện chưa nhiều

Bộ Công Thương: Giá điện hiện chưa đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư - Ảnh 1.

Theo Bộ Công Thương, giá điện hiện chưa đủ hấp dẫn để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành điện. Ảnh minh họa.

Trong báo cáo, Bộ Công Thương chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như hiện tại đầu tư tư nhân đóng góp chưa nhiều, nguồn lực tập trung chủ yếu từ vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

"Giá điện hiện chưa đủ hấp dẫn để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành điện", báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chỉ ra một số vướng mắc trong đàm phán các dự án BOT khiến thời gian phát triển dự án kéo dài. Cụ thể, các vướng mắc chủ yếu đến từ các vấn đề chính sách ưu đãi, chuyển đổi ngoại tệ, chấm dứt sớm hợp đồng… Thời gian xem xét, cho ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các vấn đề liên quan thường kéo dài.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cho biết do chưa thực hiện được đầy đủ việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường quy định tại Quyết định số 24 do ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô ở một số thời điểm nên còn tồn tại các khoản chi phí còn treo (các khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các năm trước); giá bán lẻ điện chưa thu hút được đầu tư; cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thực hiện theo Luật Điện lực còn duy trì bù chéo giữa khách hàng sản xuất với khách hàng sinh hoạt, thương mại.

Để đảm bảo đầu tư các dự án điện trong quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Bộ Công Thương cho biết EVN đã xây dựng và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển 5 năm các giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020.

Theo đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư cả giai đoạn 2011-2020 của EVN là 1.222.045 tỷ đồng (bình quân trên 5 tỷ USD/năm). Trong đó: Giai đoạn 5 năm 2011-2015 là 501.469 tỷ đồng; Giai đoạn 5 năm 2016-2020 là 720.576 tỷ đồng.

Kết quả trong cả giai đoạn 2011-2019, giá trị vốn đầu tư toàn EVN đạt 916.706 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2015-2020 giải ngân đạt 95,9% và trong 4 năm 2016-2019 đạt 89,3% tổng kế hoạch trong 4 năm (501.200 tỷ đồng).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước