Cuối tuần này, Việt Nam đã không có ca mắc mới COVID-19 nào trong cộng đồng trong 16 ngày. Điều này đã khiến mọi người thực sự an tâm hơn để dần chuyển nguồn lực sang tăng tốc cho tăng trưởng kinh tế vào những tháng cuối năm. Đặc biệt, ngay khi có những dấu hiệu ổn định dịch bệnh rõ ràng, việc mở lại các đường bay thương mại quốc tế đã được tính đến.
Sau khoảng nửa năm phải ngừng bay quốc tế vì dịch COVID-19, các hãng hàng không Việt Nam đã rất sẵn sàng khai thác lại các đường bay nước ngoài. Mặc dù vậy, vẫn cần thời gian để chuẩn bị thêm và chưa thể bay ngay. Một trong những nguyên nhân là hiện vẫn còn chờ cơ quan y tế xây dựng và hoàn thiện phương án, quy trình xét nghiệm cách ly với nhập cảnh.
Kiểm soát chặt khi mở thêm các đường bay quốc tế
Các hãng hàng không đã phải ngừng bay quốc tế nửa năm vì dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Theo tờ Tiền Phong, đề xuất của Bộ Giao thông vận tải là khôi phục lại đường bay thương mại thường lệ giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Campuchia, Lào với tần suất 1 chuyến khứ hồi/tuần. Hành khách được đi gồm nhà ngoại giao, công vụ, công dân Việt Nam có nhu cầu về nước, đi lao động tại các nước.
Còn theo cuộc họp thường trực Chính phủ diễn ra cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định thông điệp không để COVID-19 bùng phát khi mở lại đường bay. Người nhập cảnh phải có giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 trước khi vào Việt Nam từ 3-5 ngày, có bảo hiểm y tế quốc tế, phải khai báo y tế điện tử, kiểm dịch y tế khi nhập cảnh và lấy mẫu xét nghiệm trong ngày đầu nhập cảnh.
Đây là một tin vui cho nhiều địa phương của Việt Nam, trong đó có tỉnh Bình Dương bởi đây là một trong số những tỉnh có nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và chuyên gia làm việc.
Ghi nhận của tờ Lao Động cho biết, thực tế đến nay đã có khoảng 2.600 chuyên gia nhập cảnh vào Bình Dương làm việc, 3.000 chuyên gia khác đang hoàn tất thủ tục. Được biết, cách đây 2 tháng, Bình Dương đã có chủ trương phối hợp với Bộ, ngành để đón chuyên gia nước ngoài. Việc kiểm soát tốt dịch bệnh và đón chuyên gia đã giúp khôi phục kinh tế của Bình Dương khả quan. Đây là một ví dụ cho thấy rằng nếu mở cửa có kế hoạch, thận trọng vẫn có thể đảm bảo an toàn phòng dịch mà vẫn đảm bảo kinh tế không bị đứt gãy.
Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ
Theo bình luận của nhà báo Lê Thanh Phong trên tờ Lao Động, Việt Nam đã có kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19 trong 2 đợt bùng phát vừa qua nên có thể tự tin để khôi phục các hoạt động kinh tế. Phòng dịch hiệu quả chỉ đạt được một mục tiêu, mở cửa bảo đảm tăng trưởng kinh tế mới đạt được mục tiêu như Thủ tướng chỉ đạo.
Chính những nỗ lực phòng dịch vừa qua trong cả 2 đợt bùng phát tháng 3 và tháng 7 cũng đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, tạo nền tảng cho phục hồi tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.
Theo dự báo công bố trong tuần của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) được tờ Thời báo Ngân hàng trích dẫn, năm nay tăng trưởng của Việt Nam dù chỉ ở mức 1,8% nhưng đây vẫn là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Đến năm 2021, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tốt và tăng trưởng GDP sẽ lên mức 6,3%.
Nhiều điểm sáng nổi bật về xuất khẩu
Đặc biệt trong bức tranh kinh tế khả quan này không thể không nhắc tới điểm sáng nổi bật về xuất khẩu. Đáng chú ý là nhìn vào tình hình kinh tế 8 tháng đầu năm có mức thặng dư thương mại cao nhất trong vòng 4 năm, trong đó tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp nội cao hơn đáng kể so với khối doanh nghiệp FDI.
Không những vậy, nhiều tin vui về các lô hàng xuất khẩu đầu tiên đi thị trường châu Âu, tận dụng lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU cũng xuất hiện khá nhiều trên các mặt báo tuần qua. Cụ thể là khoảng 100 tấn chanh leo và 260 tấn cà phê đã được xuất khẩu sang EU theo hiệp định này tuần qua.
Tờ Nông nghiệp Việt Nam, đăng: Sau tôm, gạo, cà phê, đến lượt trái cây được xuất khẩu đi châu Âu theo EVFTA. Tin vui tiếp nối tin vui đã khẳng định niềm tin, vị thế thương hiệu nông sản Việt Nam. Mặt hàng trái cây nhiệt đới của Việt Nam có tính cạnh tranh cao nên tới đây có thể tăng cường xuất khẩu thêm những sản phẩm như quả bưởi, chanh, sầu riêng…
8 tháng đầu năm gạo là một trong số ít mặt hàng tăng trưởng dương về xuất khẩu, đạt 2,2 tỷ USD. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Một điểm sáng khác của ngành nông nghiệp gần đây mà không thể không nhắc đến là lĩnh vực lúa gạo. Tiêu đề của bài viết trên tờ Nông thôn ngày nay đã tóm gọn lại thông điệp về mặt hàng nông sản này: "Gạo Việt, từ tự ti thành tự tin".
8 tháng đầu năm, gạo là một trong số ít mặt hàng tăng trưởng dương về xuất khẩu, đạt 2,2 tỷ USD, giá gạo Việt Nam có lúc cao hơn gạo Thái Lan. Trong hành trình hơn 30 năm chinh phục thị trường thế giới, từ chỗ tự ti vì thua sản phẩm cùng loại của các nước khác về chất lượng và giá cả giờ đã tự tin vì sở hữu nhiều giống lúa quý, từ đó tạo đà cho việc chinh phục các thị trường mới.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được tiếp sức, hỗ trợ tốt nhất mới đảm bảo tính lâu dài và bền vững của tăng trưởng trong thời gian tới. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Tuy nhiên, tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác không hẳn là quá sáng sủa. Những con số khảo sát của Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính rất đáng suy ngẫm - 81% doanh nghiệp không có đơn hàng, 76% không cân đối được thu chi và tác động của đợt dịch lần 2 khiến 47% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động.
Tờ Thanh Niên trích dẫn đề xuất của nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân rằng Chính phủ nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho tất cả các doanh nghiệp trong năm nay, giảm 50% các loại phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… như một cách để cứu doanh nghiệp.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, trong gói hỗ trợ lần 2 cần rà soát điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận gói tín dụng, đặc biệt có chính sách giảm áp lực tài chính trong ngắn hạn.
Đã gần hết quý III của nền kinh tế, thời gian không còn nhiều và cần phải có một cuộc tăng tốc, bứt phá của các doanh nghiệp, các địa phương để bù lại những tổn thất trong thời gian qua. Tuy nhiên, muốn làm được điều này, xương sống của nền kinh tế là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được tiếp sức, hỗ trợ tốt nhất mới đảm bảo tính lâu dài và bền vững của tăng trưởng trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!