Khôi phục sản xuất ngành công nghiệp, dịch vụ và chế biến

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 19/09/2024 21:10 GMT+7

VTV.vn - Những thiệt hại do bão đặt ra thách thức rất lớn về tốc độ tăng trưởng từ nay cho tới cuối năm.

Doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau bão

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, cơn bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của hàng nghìn doanh nghiệp tại 26 địa phương.

Nếu so sánh với kịch bản cập nhật vào tháng 7 vừa qua thì GDP của cả nước đã giảm khoảng 0,15 điểm %, trong đó, khu vực Nông lâm thuỷ sản bị ảnh hưởng nhiều nhất giảm 0,33 điểm %, khu vực Công nghiệp xây dựng giảm 0,05 điểm % và khu vực Dịch vụ giảm khoảng 0,22 điểm %.... Chỉ riêng các sự cố về điện, thống kê cho biết đã có 244 sự cố đường dây cao thế, cùng với đó là rất nhiều sự cố đường dây trung thế; gây mất điện cho 6,2 triệu khách hàng, trong đó hơn 300 khu, cụm công nghiệp bị mất điện. Với hơn 26 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng bởi bão lũ là khu vực chiếm đến 41% GDP và 40% dân số của cả nước. Những thiệt hại do bão đặt ra thách thức rất lớn về tốc độ tăng trưởng từ nay cho tới cuối năm.

Nhìn lại ¾ chặng đường đã qua của nền kinh tế nước ta, chúng ta đã có diễn biến đầy lạc quan từ đầu năm đến hết tháng 9 với kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 7%. Tuy nhiên, sự tàn phá của cơn bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu sau bão gây ra những tác động rất nặng nề, làm đình trệ nhiều hoạt động kinh tế, sản xuất và phân phối hàng hóa tại nhiều địa phương, làm giảm đà phục hồi và phát triển của nền kinh tế. Mặc dù cũng phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chia sẻ hỗ trợ nhân dân bị thiên tai ảnh hưởng. Ngay sau khi bão qua, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục sự cố, nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định việc làm, cuộc sống của người lao động.

Nhanh chóng, khẩn trương dọn dẹp - đó là không khí của xưởng may này ngay sau bão số 3. Thế nhưng, do hơn 6.000 m2 nhà xưởng chính đã bị tàn phá, cũng như phần lớn kho hàng nguyên phụ liệu và sản phẩm may mặc chờ xuất khẩu đã bị hư hỏng, nên doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn.

Cơn bão số 3 đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp này, doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ bị chậm, huỷ 30% đơn hàng sản xuất từ nay đến cuối năm, do vậy việc phục hồi sản xuất đang là yêu cầu cấp bách được đặt ra. Thách thức tưởng chừng khó khắc phục, nhưng bằng nhiều nỗ lực, dây chuyền sản xuất dự phòng với hơn 1.000 lao động quay trở lại làm việc, đã được hoạt động, đơn hàng của quý III đang được gấp rút thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Tổng Giám đốc Công ty May Đô Lương, Thái Bình cho biết: "Thiệt hại trong nhà xưởng mất hơn 300.000 m vải và hơn 12.000 bán sản phẩm, chắc chắn ảnh hưởng đến kế hoạch hàng của những tháng tiếp theo, đặc biệt là tháng 9, tháng 10. Sau bão, chúng tôi đã tập trung xử lý trong một ngày, vận chuyển toàn bộ thiết bị không hỏng hóc và thành phẩm, bán thành phẩm không bị ướt sang và tổ chức sản xuất sau một ngày".

Còn với doanh nghiệp này, cơn bão số 3 gây ra sự cố mất điện, đã khiến doanh nghiệp phải dừng sản xuất một ngày, với khoản thiệt hại ước tính hàng tỷ đồng. Xác định nhanh chóng sản xuất trở lại là mục tiêu quan trọng phải thực hiện bằng được đối với doanh nghiệp này.

Ông Đỗ Văn Du - Phó Giám đốc Nhà máy Gạch men Mikado Thái Bình chia sẻ: "Ước tính cơn bão số 3 đã xảy ra, chúng tôi dừng mất một ngày và chi phí do bão rủi ro mất khoảng hơn 20 tỷ đồng. Dừng sản xuất đúng thời gian mất điện khi cơn bão số 3 đổ bộ vào, còn sau đó ngày hôm sau chúng tôi hoạt động bình thường trở lại, duy trì công ăn việc làm cho người lao động".

Cơn bão số 3 khiến nhiều doanh nghiệp mất mát nặng nề về nhà xưởng, hàng hóa, máy móc thiết bị, gây mất điện, mất nước, mất thông tin liên lạc diện rộng, tình trạng mưa lụt sau bão làm ngưng trệ sản xuất. Thế nhưng, cho tới hiện tại, đa phần đã cố gắng vượt qua khó khăn trước mắt để nhanh chóng hoạt động trở lại.

Khôi phục sản xuất ngành công nghiệp, dịch vụ và chế biến - Ảnh 1.

Tiếp tục duy trì đơn hàng xuất khẩu

Trong số doanh nghiệp gặp khó khăn, có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu. Bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại nặng nề cho nuôi trồng thuỷ sản, dẫn đến các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu thiếu nguyên liệu trầm trọng. Hơn nữa, nhiều chuyến hàng đã bị hoãn, phải lưu trữ trong thời gian dài có thể khiến chất lượng sản phẩm bị giảm sút, làm tăng nguy cơ thua lỗ.

Nhà xưởng bị tốc mái khiến nước mưa tràn vào gây hỏng hóc thiết bị và máy móc. Tuy nhiên, với tinh thần vượt khó vươn lên, tiếp tục sản xuất, mỗi người lao động góp sức lực để khôi phục nhà máy, sửa sang thiết bị và bắt đầu đưa hoạt động sản xuất trở lại nhằm đảm bảo đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu.

Trời nắng thì tranh thủ sơn, sửa ngoại thất tàu. Mưa thì lau dọn, kiểm tra máy móc trong xưởng, trong tàu để đảm bảo ổn định. Thiệt hại toàn bộ khối văn phòng, tốc mái nhà xưởng và hỏng hai trạm biến áp, cùng nhiều thiết bị. Nhưng trước tinh thần đảm bảo công việc cho lao động, vừa sửa chữa, khôi phục, vừa tiếp tục sản xuất, xuất khẩu. Bởi doanh thu tốt mới là động lực phục hồi nhanh chóng nhất.

Ông Trần Văn Rung - Phó Tổng Giám đốc Công ty Đóng tàu Phà Rừng nêu ý kiến: "Duy trì hoàn thành tốt đơn hàng đã ký với chủ tàu Hàn Quốc. Chúng tôi sẽ cố gắng phấn đấu để đạt được những chỉ tiêu đã đề ra".

80% kim ngạch xuất khẩu của thành phố Hải Phòng là từ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thuộc quản lý của Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng, mật độ tập trung vốn đầu tư rất lớn, với trên 40 tỷ USD, trên 700 dự án trải dài trên một khu kinh tế Đình Vũ Cát Hải và 14 khu công nghiệp. Tạm gác lại hàng trăm tỷ đồng thiệt hại, các doanh nghiệp trên toàn khu đang nỗ lực sản xuất đảm bảo đơn hàng.

Ông Bùi Ngọc Hải - Phó Trưởng ban Ban Quản lý khu Kinh tế Hải Phòng nhận định: "Mặc dù thiệt hại nhưng các doanh nghiệp đều thể hiện có một quyết tâm là kiên quyết hoàn thành mục tiêu sản xuất kinh doanh đầu tư của năm 2024. Từ đó góp phần chung vào việc thực hiện mục tiêu thu hút đầu tư từ 2 cho đến 2.5 tỷ USD".

Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Mục tiêu năm 2024 hướng đến là năm thứ ba liên tiếp xuất khẩu và cán cân thương mai vượt mốc 100 tỷ USD. Theo Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, trong bối cảnh Việt Nam vừa trải qua cơn bão số 3 lớn nhất trong lịch sử, việc đảm bảo các đơn hàng xuất khẩu được giao đúng hạn và duy trì chất lượng đang thể hiện Việt Nam là điểm đến đáng tin cậy của các nhà đầu tư và doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Ông Đỗ Ngọc Hưng - Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ nêu nhận định: "Các đối tác hiện nay đều đánh giá cao sự vào cuộc của cơ quan chính quyền, các hiệp hội tiêu biểu của Việt Nam như Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ, Hiệp hội thuỷ sản đã nhận được sự quan tâm to lớn của các đối tác nước ngoài, qua đó ký kết một số đơn hàng mới".

Hiện Bộ Tài chính có những chỉ đạo quyết liệt về việc cung cấp nguồn lực tài chính hỗ trợ cho các địa phương và doanh nghiệp. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện các chính sách giãn nợ, hoãn nợ và không chuyển nhóm nợ xấu đối với doanh nghiệp bị thiệt hại do bão. Mục tiêu xuất khẩu của năm nay có thể được giữ vững nếu các chính sách này được triển khai đồng bộ và hiệu quả nhằm trợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn mà bão lũ gây ra.

Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị quyết số 143 vào ngày 17/9 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình của nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt với lạm phát. Với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào các ngành như nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, hậu quả của thiên tai đối với các ngành này dễ dàng tác động tiêu cực đến các lĩnh vực khác của kinh tế như giao thông, thương mại và dịch vụ. Nghị quyết số 143 của Chính phủ rất cấp thiết, rất "đúng" và "trúng" để giúp các doanh nghiệp sớm phục hồi, tái thiết sản xuất, thực hiện các mục tiêu kinh tế đã đề ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước