Giải pháp nào để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão số 3?

Sự kiện Bình luận-Thứ bảy, ngày 14/09/2024 17:11 GMT+7

VTV.vn - Giải pháp nào giúp địa phương, doanh nghiệp khắc phục hậu quả của thiên tai, khôi phục sản xuất, duy trì uy tín và phát triển kinh tế sau ảnh hưởng của cơn bão số 3?

Theo thống kê sơ bộ, đã có hàng nghìn doanh nghiệp bị ảnh hưởng và thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão. Hiện các địa phương và doanh nghiệp đang tranh thủ từng giờ, từng ngày để khôi phục sản xuất kinh doanh. Các chính sách kịp thời để đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp bị thiệt hại ra sao? Cần những giải pháp nào để đẩy nhanh phục hồi sản xuất công nghiệp, duy trì đơn hàng xuất khẩu, bảo vệ uy tín với bạn hàng quốc tế, đảm bảo không đứt gãy sản xuất, duy trì nền kinh tế Việt Nam đứng vững sau thiên tai?

Hiện nay, cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, các địa phương đều đang tập trung khắc phục hậu quả của bão số 3 và mưa lũ, sạt lở, ngập lụt, thiên tai không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về con người, về tài sản mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Giải pháp nào để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão số 3? - Ảnh 1.

Chương trình Sự kiện Bình luận ngày 14/9

Ngày 10/9, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 92 yêu cầu các địa phương bên cạnh công tác khắc phục hậu quả, cần kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân và doanh nghiệp cũng như các công trình cơ sở hạ tầng của Nhà nước. Chủ động huy động nguồn lực của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục hậu quả của mưa, bão. Khẩn trương khôi phục sản xuất kinh doanh bởi việc duy trì sản xuất liên tục, có ý nghĩa quan trọng đối với không chỉ mỗi một người lao động với các doanh nghiệp mà còn với cả nền kinh tế Việt Nam. Theo thống kê mới nhất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đa phần các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tại các tỉnh, thành bị bão số 3 tác động đã khôi phục sản xuất và mở cửa trở lại làm việc bình thường ngay sau khi bão đi qua.

Cùng với Bắc Ninh, Bắc Giang, hiện rất nhiều khu công nghiệp tại Hải Phòng, Hưng Yên cũng đã khôi phục sản xuất tới hơn 90%. Ngay sau khi bão đi qua, lũ bắt đầu rút, nhiều vùng sản xuất công nghiệp cũng nhanh chóng hoạt động trở lại. Song song với sửa chữa nhà xưởng, kho bãi, phương tiện, các doanh nghiệp cũng khẩn trương đảm bảo điều kiện an toàn để đưa người lao động quay trở lại làm việc, hoạt động kinh doanh, buôn bán hay vận chuyển hàng hóa cũng đã lưu thông.

"Cơn bão số 3 đã gây ra hệ lụy, hậu quả nghiêm trọng đối với cuộc sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp tại các vùng bão đi qua như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, một số tỉnh miền núi phía Bắc đã bị ảnh hưởng. Đảng, Nhà nước, các cấp, bộ, ngành đã chỉ đạo quyết liệt và có các giải pháp cụ thể để khắc phục và hạn chế giảm thiểu thiệt hại của người dân cũng như để các doanh nghiệp có thể bắt tay ngay vào việc khôi phục sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, một số ngành như: thủy hải sản, du lịch, nông nghiệp, lâm nghiệp,… và một số ngành sản xuất có cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà xưởng tại vùng bão đi qua đã bị ảnh hưởng do gió giật đổ, nước ngập vào khiến cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị ảnh hưởng. Nhóm ngành xuất khẩu không tránh khỏi thiệt hại. Hiện tại, các doanh nghiệp đã bắt đầu việc khôi phục sản xuất, kinh doanh và thay thế, chỉnh sửa cơ sở vật chất", ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết.

Giải pháp nào để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão số 3? - Ảnh 2.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ về giải pháp giúp doanh nghiệp khắc phục thiệt hại sau lũ

Đối với việc thực thi cam kết với các đối tác quốc tế, doanh nghiệp đã có những phương án cụ thể đảm duy trì tốt kết quả sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu với các cam kết đã ký, giữ được uy tín đối với các đối tác quốc tế. Đó là yêu cầu của đảm bảo cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế sau này.

Bắc Ninh là một trong những địa mà tâm bão đi qua. Sau khi bão đi qua, để lại rất nhiều ảnh hưởng, thiệt hại về tài sản, về cơ sở vật chất. Nước dâng cao và dâng nhanh ảnh hưởng đến sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh của người dân nuôi cá bè trên sông và hoạt động sản xuất công nghiệp, đặc biệt là cụm công nghiệp, các làng nghề làm ven sông.

Giải pháp nào để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão số 3? - Ảnh 3.

Các tàu cá bị hư hỏng nặng bởi cơn bão số 3. Ảnh: Vietnamplus

"Ban quản lý khu công nghiệp cùng với tỉnh đã thành lập các tổ cụ thể để phòng chống thiên tai tại các khu công nghiệp. Ban quản lý khu công nghiệp đã phân công nhiệm vụ cho các tổ và cử cán bộ nằm vùng trực tiếp tại khu công nghiệp, cử cán bộ hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng kịch bản, phương án chống bão, chống lũ cho chính doanh nghiệp của mình. Căn cứ vào điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp để xây dựng kịch bản gửi về cho Ban quản lý khu công nghiệp, sau đó tổng hợp báo cáo Ban chỉ huy. Vừa qua, Bắc Ninh đã chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên cho tất cả các nhóm ngành trọng điểm như: bán dẫn điện tử và những chuỗi quan trọng của ngành công nghiệp của địa phương nói riêng và của đất nước nói chung như Samsung, Amkor,… Các doanh nghiệp lớn tại Bắc Ninh không hề mất điện, mất tín hiệu trước và sau cơn bão. Nước sạch được cung cấp đầy đủ và vẫn đang hoạt động rất. Mọi đơn hàng đều không bị đứt gãy và vẫn sản xuất bình thường", ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh chia sẻ.

Các cơ quan chuyên ngành như điện, viễn thông và các ngành phục vụ hỗ trợ khác của tỉnh Bắc Ninh đã vào cuộc kịp thời. Do tính chất nghiêm trọng của bão, thiên tai, công tác dự báo đã sát chuẩn, đưa ra các thông tin cho người dân, doanh nghiệp có dữ liệu và phương pháp đề phòng từ trước. Chính vì vậy, giảm thiểu được phần nào thiệt hại.

Tranh thủ từng giờ, thậm chí là từng phút để đưa sản xuất kinh doanh trở lại sớm nhất. Đây là giải pháp hữu hiệu để có thể bù đắp được cho những thiệt hại mà cơn bão gây ra. Đây là ưu tiên của chính quyền tỉnh Quảng Ninh vào thời điểm này. Bởi vậy, không chờ tới khi mà có hỗ trợ thì tỉnh Quảng Ninh cũng đã chủ động rất là nhiều nguồn lực và những cái phương án tại chỗ để bằng mọi cách giúp cho các doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Tỉnh kịp thời có những cơ chế hỗ trợ cho bà con nhân dân và các doanh nghiệp để họ có thể tự phục hồi.

"Chúng tôi cũng đã tập trung vào khắc phục hậu quả nặng nề của cơn bão số 3 gây ra. Trước hết, tỉnh tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ ở trên biển. Bởi vùng biển Quảng Ninh rất lớn, không phải chỉ có thiệt hại về người dân Quảng Ninh mà còn có rất nhiều các phương tiện và người ở các vùng biển khác dạt vào. Thứ hai, tỉnh đã thống kê và hỗ trợ kịp thời cho tất cả những hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng. Tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời cấp 180 tỷ đợt một để hỗ trợ cho 13 địa phương ở tỉnh Quảng Ninh. Hiện nay, hậu quả nặng nề nhất đối với tỉnh Quảng Ninh sau khi cơn bão đi qua là 90% phụ tải không được cấp điện, tất cả hệ thống liên lạc của các nhà mạng cũng bị đình trệ" - ông Cao Tường Huy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết.

Giải pháp nào để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão số 3? - Ảnh 4.

Xí nghiệp Lưới điện cao thế Quảng Ninh phối hợp với Công ty Than Mạo Khê dựng lại cột điện 110kV tại thị xã Đông Triều. Ảnh: EVN

Vừa qua, Tổng công ty Điện lực Việt Nam cùng với các công ty điện lực đã hỗ trợ cho tỉnh Quảng Ninh, đến nay, khoảng 60% phụ tải của tỉnh Quảng Ninh đã được cấp điện trở lại. Đặc biệt, ngành điện cũng đã quan tâm cấp điện cho các khu công nghiệp, các khu chế xuất, đặc biệt là tập trung vào các doanh nghiệp FDI, tập trung cho ngành than, bệnh viện, trường học và các cơ sở phục vụ cho người dân. Hiện nay, chúng tôi đang chỉ đạo quyết liệt việc phục hồi, phát triển kinh tế sau bão. Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp FDI của Quảng Ninh đã hoạt động trở lại và 100% các cơ sở sản xuất ngành than đã hoạt động trở lại. Ngành du lịch đã đón được những cái đoàn khách đầu tiên sau bão.

Tỉnh Quảng Ninh đang cố gắng khắc phục thiệt hại nặng nề do cơn bão gây ra để giữ vững đà tăng trưởng của năm nay. Nếu như năm nay, tỉnh Quảng Ninh giữ được đà tăng trưởng 2 con số, sẽ là năm thứ 10 liên tiếp Quảng Ninh tăng trưởng 2 con số, thu nhập bình quân người tại Quảng Ninh đạt trên 10.500 USD.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, gần 12.000 khách hàng vay vốn với tổng dư nợ khoảng 26 nghìn tỷ đồng. Tại Quảng Ninh và Hải Phòng, 2 địa phương bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 đang cần được hỗ trợ gấp. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu không thu nợ bằng mọi cách. Các ngân hàng thương mại tạm thời khoanh nợ, hoãn giãn nợ, giảm lãi ngay những khoản nào đã đến hạn với những khoản nợ sắp tới hạn, giải pháp hỗ trợ cũng nên rất tích cực cho khách hàng vay vốn. Hơn nữa, các ngân hàng cần mạnh dạn cho vay mới để doanh nghiệp, người dân và hộ gia đình có vốn mới quay vòng, còn các khoản nợ cũ phía ngân hàng cần xem xét giải quyết phù hợp với điều kiện thực tế.

"Tôi đánh giá rất cao động thái chỉ đạo kịp thời của Ngân hàng Nhà nước đối 2 địa phương trên. Trong thời gian tới, cần tiếp tục duy trì chính sách đó và có thêm khoản tín dụng mới để người dân có thể thay thế trang thiết bị, cơ sở vật chất cho hoạt động sản xuất kinh doanh và có thời gian vừa đủ để người dân tái sản xuất sinh lời, có điều kiện để trả nợ. Cần có chính sách phù hợp lớn liên quan đến việc giảm các sắc thuế. Nếu có, cần đảm bảo được rằng không gián đoạn việc hoạt động sản xuất kinh doanh và cũng để nhà sản xuất không đau đáu chuyện trả nợ mà ảnh hưởng đến việc hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động trong doanh nghiệp. Nếu Nhà nước và nhân dân cùng làm, tôi tin rằng chúng ta sẽ vượt qua được khó khăn này và có thể duy trì tốt đà tăng trưởng trong thời gian tới", ông Hoàng Quang Phòng đánh giá.

Ông Phòng kiến nghị, trường hợp thiên tai vừa qua là một trong những thử thách mà doanh nghiệp tại Việt Nam đã và đang phải vượt qua. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bằng sự nỗ lực, quyết tâm của doanh nghiệp. Đặc biệt là các cơ quan chuyên quản, tăng cường hơn tính dự báo để có những dự báo tốt, chuẩn xác đến các đối tượng, các cộng đồng doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp cũng có những dự báo của riêng mình cho phương án cụ thể, khắc phục hậu quả thiên tai.

Công tác chủ động hoạt động sản xuất kinh doanh cần phải được chú ý và đưa thành phương án trong chương trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có sự phối kết hợp, kiến nghị phù hợp đối với cơ quan có thẩm quyền trong các gói chính sách phù hợp để doanh nghiệp có thể áp dụng trước mắt, áp dụng lâu dài cũng như làm an lòng các nhà sản xuất và nhà đầu tư.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước