Khôi phục sớm nhất các hoạt động sản xuất kinh doanh đang bị gián đoạn

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 21/09/2021 06:08 GMT+7

VTV.vn - Doanh nghiệp là chủ thể, các địa phương, tỉnh, thành phố là trung tâm giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Chính phủ và các Bộ, ngành sẽ tạo mọi điều kiện, hỗ trợ tối đa để tạo lập môi trường bình thường mới nhằm khôi phục sớm nhất các hoạt động sản xuất kinh doanh đang bị gián đoạn, đóng băng hoặc đứt gãy…

Cả nước hiện có 369 khu công nghiệp; 26 khu kinh tế cửa khẩu và 18 khu kinh tế ven biển. Dịch bệnh xuất hiện trong các khu công nghiệp đòi hỏi những biện pháp phòng, chống rất khác. Áp lực rất lớn trong việc lấy mẫu, xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng, cách ly cho hàng chục nghìn công nhân và điều trị cùng lúc hàng nghìn bệnh nhân... Và khi dần kiểm soát dịch bệnh, nới lỏng giãn cách, việc tái sản xuất phải được khởi động sớm nhất từ chính các KCN bởi đây là nơi có những đóng góp rất lớn, được ví như trái tim của nền sản xuất công nghiệp.

Tại buổi làm việc trực tuyến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành với các Bộ, ngành và 28 địa phương cùng các doanh nghiệp trong cả nước vào sáng 20/9 khi bàn về những giải pháp phục hồi hoạt động tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu Công nghệ cao và Cụm công nghiệp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định: Doanh nghiệp là chủ thể, các địa phương, tỉnh, thành phố là trung tâm giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Chính phủ và các Bộ, ngành sẽ tạo mọi điều kiện, hỗ trợ tối đa để tạo lập môi trường bình thường mới nhằm khôi phục sớm nhất các hoạt động sản xuất kinh doanh đang bị gián đoạn, đóng băng hoặc đứt gãy như hiện nay…

Khôi phục sớm nhất các hoạt động sản xuất kinh doanh đang bị gián đoạn - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trong cuộc họp trực tuyến với các Bộ, ngành và 28 địa phương cùng các doanh nghiệp trong cả nước vào sáng 20/9 - Ảnh VGP.

Trong các KCN trên cả nước hiện đang có khoảng 10 nghìn dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI hoạt động. Liên tục trong hơn 1 tháng qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cuộc làm việc với đại sứ các nước và đại diện các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19. Tại các cuộc làm việc này, Thủ tướng đã khẳng định: Việt Nam chia sẻ, đồng cảm với những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải, trong đó có các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, và luôn tạo điều kiện, đồng hành để các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam.

Có một thông điệp xuyên suốt, nhất quán mà Thủ tướng nhấn mạnh khi đối thoại với các doanh nghiệp, đó là: Lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ. Khi khó khăn dịch bệnh, các bên phải cùng chia sẻ, thông cảm, đoàn kết với nhau, cùng tìm ra giải pháp phù hợp để thích ứng. Nhất trí với quan điểm này, nhiều DN FDI đã khẳng định: sẽ tiếp tục đồng hành và cùng tìm giải pháp tạo ra sự an toàn để sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ông Joris Van Tienen, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đóng tàu Damen Sông Cấm: May mắn là nền kinh tế toàn cầu đang bắt đầu phục hồi, doanh nghiệp chúng tôi đang nhận được nhiều đơn hàng. Chúng tôi thấy rằng hệ thống logistic toàn cầu đang bị gián đoạn và cũng như Việt Nam, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở các khu công nghiệp phải mất rất nhiều thời gian để vật tư đóng tàu về được nhà máy. Do đó, giữa các địa phương cần sớm thống nhất về các quy định tạo điều kiện cho doanh nghiệp lưu thông thuận lợi. Bên cạnh đó, tiêm vaccine nhanh như nỗ lực hiện nay là rất tích cực để sớm tạo miẽn dịch cộng đồng.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam: Những gì đã diễn ra trong vài tuần qua khiến doanh nghiệp phải thay đổi kế hoạch sản xuất, lao động và đầu tư mới ở những tỉnh thành phía Nam như một số vấn đề về đảm bảo lao động trong các nhà máy, chuyên gia nước ngoài quay trở lại Việt Nam việc hạn chế đi lại giữa các tỉnh thành, rào cản về thủ tục hải quan, hành chính, vận chuyển hàng nguyên vật liệu trong chuỗi cung ứng. Chúng tôi rất mong muốn cùng với chính quyền các địa phương giải quyết mọi khúc mắc để sớm đưa ra giải pháp tối ưu ít nhất là giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động thời điểm này.

Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham): Các công ty phụ trợ không chỉ cấp 1,2 mà kết cả cấp 3 nếu có vấn đề xảy ra là không thể hoàn thành sản phẩm. Vì vậy duy trì chuỗi cung ứng rất quan trọng. Ngay sau cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ, một số địa phương đã liên hệ với KorCham để thành lập những tiểu ban giải quyết thắc mắc của doanh nghiệp.

Ông Hirai Shinji, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh: Dưới góc nhìn của các doanh nghiệp FDI, cơ chế đóng góp ý kiến của doanh nghiệp cần tiếp tục được minh bạch và bao trùm. Chúng tôi hoan nghênh chính sách hạn chế tối đa việc đóng cửa toàn bộ nhà máy để không gián đoạn chuỗi cung ứng. Quan trọng nhất là các quy định chi tiết sẽ được các địa phương ban hành sớm để doanh nghiệp có kế hoạch cho sản xuất, kinh doanh.


Khôi phục sớm nhất các hoạt động sản xuất kinh doanh đang bị gián đoạn - Ảnh 2.

Hình minh họa.

Trong giai đoạn 2016-2019, khu công nghiệp, khu kinh tế nộp Ngân sách nhà nước trên 400 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm hơn 3,8 triệu lao động trực tiếp, chiếm khoảng 7% lực lượng lao động của cả nước. Điều đó để thấy đóng góp to lớn của KCN, khu chế xuất với nền kinh tế. Tại một số địa phương, không chỉ các doanh nghiệp trong "vùng xanh", mà với mô hình "vùng xanh doanh nghiệp", các doanh nghiệp nằm trong vùng đỏ đang nhanh chóng khởi động phương án tái sản xuất, bảo đảm thu nhập cho người lao động.

Kết luận cuộc họp sáng nay, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các doanh nghiệp chủ động phối hợp với các địa phương để thống nhất kế hoạch tiêm phòng cho công nhân, thực hiện xét nghiệm định kỳ theo quy định, bảo đảm không có F0 trong sản xuất, chịu trách nhiệm trước địa phương, không để xẩy ra ổ dịch trong sản xuất

Thực tế đã cho thấy trong đợt dịch lần này từ tháng 4, việc ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh thành công ở các khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương không chỉ có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, sự đồng hành, hưởng ứng của nhân dân mà luôn có sự chia sẻ, chung tay, chung sức của các doanh nghiệp, qua đó sớm phục hồi sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng.

Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 20/9 với khách mời là ông Trần Thiên Long, Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh và TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh sẽ trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước