Toàn ngành dệt may vẫn phải nhập tới gần 70% nguyên phụ liệu, thậm chí, có doanh nghiệp phải nhập hơn 90% để đáp ứng nhu cầu sản xuất của mình. Thông tin được đưa ra tại Hội thảo Kết nối doanh nghiệp trong phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may vừa diễn chiều 20/9 đã khiến nhiều chuyên gia và các doanh nghiệp không khỏi băn khoăn về những khó khăn, trở ngại về vốn đối với công nghiệp hỗ trợ của ngành dệt may.
Tại triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may thiết bị và nguyên phụ liệu đang diễn ra tại Hà Nội, chỉ có 1 doanh nghiệp của Việt Nam tham gia. Đứng giữa hàng chục doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp này sản xuất quạt làm mát trong nhà máy may dù đã có thâm niên 10 năm nhưng họ vẫn gặp khó khi huy động vốn.
Để giải quyết khó khăn trên, ngoài việc huy động vốn qua kênh ngân hàng, các doanh nghiệp có thể lên sàn để huy động vốn. Còn nếu vay ngân hàng, doanh nghiệp cần được ưu đãi vay vốn trong dài hạn.
Đầu tư lớn mà thu hồi lâu là đặc thù khi phát triển công nghiệp hỗ trợ dệt may nên trước mắt, theo các doanh nghiệp, cần thêm chính sách triệt để của nhà nước như miễn thuế đất, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 5 năm đến 10 năm. Có như vậy, các doanh nghiệp mới yên tâm đầu tư vào công nghiệp phụ trợ một cách lâu dài với quy mô lớn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!