Khơi thông "luồng xanh" để giải tỏa ách tắc khó khăn cho thị trường lúa gạo

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 04/09/2021 11:05 GMT+7

VTV.vn - Khơi thông "luồng xanh" đường thuỷ được xem là nhiệm vụ quan trọng được các Bộ, ngành quan tâm khi đây là mắt xích trọng yếu giúp duy trì chuỗi cung ứng lúa gạo.

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất cả nước với hơn 9,5 triệu tấn lúa đến vụ thu hoạch. Hiện đã thu hoạch được khoảng 70%. Do dịch bệnh COVID-19, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội khiến việc vận chuyển, chế biến và tiêu thụ lúa gạo gặp nhiều khó khăn. Hiện nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm khơi thông ách tắc chuỗi thu hoạch, chế biến và xuất khẩu lúa gạo.

Gỡ nút thắt lưu thông lúa gạo

Cánh đồng, nhà máy và cảng xuất khẩu là ba đầu mối chính trong quá trình thu hoạch và tiêu thụ lúa gạo. Khâu vận chuyển đưa lúa từ cách đồng về nhà máy phải đi qua nhiều tỉnh khác nhau. Với đặc thù kênh rạch chằng chịt, phần lớn các nhà máy sản xuất, chế biến lúa gạo cập bờ sông, bờ kênh nên 95% thóc, gạo sản xuất ở vùng ĐBSCL được vận chuyển bằng đường thuỷ. Trong khi đó, đa phần lúa trong tỉnh lại được các doanh nghiệp ngoài tỉnh vào thu mua nên "luồng xanh" đường thủy từ chủ yếu mới chỉ là trong nội bộ tỉnh, nay đã được mở ra nhiều tỉnh thành trong vùng.

Khâu lưu thông tiếp theo là từ nhà máy đến cảng xuất khẩu. Trong điều kiện dịch bệnh, vận tải đường thủy được cho là thuận lợi, ít tiếp xúc và vận chuyển sản lượng lớn hơn nhiều so với đường bộ. Các tuyến đường thủy chính mà các xà lan chở gạo thường đi từ ĐBSCL đến các cảng biển của khu vực TP Hồ Chí Minh hay Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã được thiết lập trở thành "luồng xanh" để vận chuyển gạo xuất khẩu cho cả vùng.

Khơi thông luồng xanh để giải tỏa ách tắc khó khăn cho thị trường lúa gạo - Ảnh 1.

Khơi thông "luồng xanh" đường thủy được xem là nhiệm vụ quan trọng được các Bộ, ngành quan tâm khi đây là mắt xích trọng yếu giúp duy trì chuỗi cung ứng lúa gạo.

Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cho biết: "Chúng ta phải thống nhất với nhau rằng tất cả các tuyến đường bộ đều là luồng xanh, để phục vụ vận chuyển hàng hóa, tất cả đường thủy cũng là "luồng xanh", chi phí vừa thấp lại vừa cách xa dân cư, hiệu quả chống dịch hơn cả đường bộ".

Rõ ràng "luồng xanh" tiêu thụ trong đường thủy nội địa là rất quan trọng thời điểm này. Ra được đến cảng nhưng để xuất khẩu được gạo ra thị trường quốc tế không phải là dễ, nhất là trong điều kiện công suất hoạt động của 1 số cảng không đạt 100% do tình hình dịch bệnh, dẫn đến hàng bị dồn ứ. Trong khi mỗi tháng, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần đóng khoảng 10.000 container, nhưng hiện các bến chỉ đủ năng lực đáp ứng 1/3 vì vừa thiếu nhân công vừa không đủ container để đóng gạo xuất khẩu.

Gạo ST25 bắt đầu khan hiếm tại Mỹ

Là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, nên nếu chúng ta không đẩy nhanh lưu thông gạo tại cảng, có thể ảnh hưởng đến thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Sau gần 5 tháng phân phối tại khu vực bờ Đông nước Mỹ và được người tiêu dùng ở đây đón nhận, gạo ST25 bắt đầu có tình trạng khan hàng.

Ông Tony Trần, đại diện công ty Great Wealth, Mỹ, cho biết: "Do vận chuyển khó khăn nên đúng ra giá thành phải tăng cao nhưng chúng tôi cũng cố gắng ổn định giá cả cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, quá trình vận chuyển cũng chậm trễ hơn, bây giờ chỉ còn 2 đến 3 container một tháng cho vùng bờ Đông này. Phải chia sẻ ra nên nhiều nơi vẫn còn thiếu gạo cho người tiêu dùng".

Khơi thông luồng xanh để giải tỏa ách tắc khó khăn cho thị trường lúa gạo - Ảnh 2.

Hiện nay, thị trường Mỹ rất ưa chuộng các loại gạo thơm, hạt dài như ST25. Theo tính toán của doanh nghiệp, để đáp ứng đủ nhu cầu gạo ST25 cho người tiêu dùng ở khu vực bờ Đông, phải cung ứng được từ 6 - 7 container gạo mỗi tháng. Tuy nhiên thực tế, khả năng cung ứng của doanh nghiệp hiện nay đã giảm gần 2 phần 3. Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào Mỹ trong thời điểm này.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York, Mỹ, chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng hiện nay trữ lượng gạo của Việt Nam tại các kho ngoại quan của các nhà nhập khẩu vẫn còn. Tuy nhiên, trong dài hạn nó có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cũng như giá gạo của Việt Nam vào thị trường Mỹ. Hi vọng trong thời gian tới Việt Nam sớm kiểm soát được dịch bệnh và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gạo sẽ quay lại hoạt động bình thường để giữ vững mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới".

Gạo ST25 đã nhập khẩu vào Mỹ gần một năm nay và được người tiêu dùng ở đây đánh giá cao cả về chất lượng và giá thành. Tuy nhiên, việc hạn chế nguồn cung đang là bài toán khó làm cho gạo ST25 chưa mở rộng được thị phần ở thị trường tiềm năng này.

Giải quyết "luồng xanh" lưu thông lúa gạo

Gạo ST25 chỉ là một ví dụ nhưng ít nhiều đang cho thấy khó khăn của chúng ta khi xuất khẩu. Vậy trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, vậy đâu sẽ là lời giải nếu muốn đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế về lâu dài?

Không cách nào khác, hiện nay các cảng lớn vẫn đang hoạt động sẽ buộc phải tăng nhân lực để tăng công suất. Bên cạnh đó, các cảng vụ làm việc với các tỉnh hỗ trợ cho doanh nghiệp có thể đóng gạo ngay tại kho. Thay vì lên TP Hồ Chí Minh đóng gạo thì tăng cường đóng ở khu vực miền Tây. Các tỉnh cần làm việc để các hãng tàu chuyển container rỗng về.

Giải quyết được "luồng xanh" lưu thông lúa gạo thì doanh nghiệp mới có thể thu mua lúa theo kế hoạch. Thế nhưng do chuỗi cung ứng quốc tế bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với tồn kho lớn, vậy họ lấy đâu ra vốn để thu mua?

Lúc này doanh nghiệp cần đến "luồng xanh" tín dụng bởi lúa gạo nói riêng và các mặt hàng nông sản nói chung có tính mùa vụ cao, nếu không kịp thời được thu hoạch sẽ làm giảm chất lượng, thậm chí là hư hỏng nông sản. Do vậy việc tăng hạn mức vay vốn sẽ giải quyết được câu hỏi trên.

Nhiều vướng mắc trong cho vay thu mua lúa gạo ở ĐBSCL

Đầu tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ra văn bản yêu cầu các các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải kịp thời "cấp vốn cho vay thu mua lúa gạo".

Khơi thông luồng xanh để giải tỏa ách tắc khó khăn cho thị trường lúa gạo - Ảnh 3.

Trần lãi suất cho vay ngắn hạn ngành lúa gạo hiện nay là 4,5%/năm, đã được ưu tiên thấp hơn thông thường , nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn mong mỏi được giảm thêm bởi giãn cách tại nhiều tỉnh thành khiến doanh nghiệp phải gánh thêm nhiều chi phí, từ vận chuyển, nhân công đến xét nghiệm âm tính với dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Văn Thành, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành IV, Vĩnh Long, cho biết:

"Về phía ngân hàng xem xét giãn nợ, giảm lãi suất. Ngành lúa gạo thì khối lượng và tài chính rất lớn, nên lãi sẽ ăn mòn vào vốn, doanh nghiệp rất là khó khăn".

Dịch bệnh gây khó cho doanh nghiệp thì các ngân hàng cũng gặp phải những khó khăn tương tự như thiếu nhân sự, lại bị hạn chế đi lại nên không thể trực tiếp tới doanh nghiệp để xác minh cho vay. Hay khi chuỗi cung ứng, sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy vì dịch bệnh, lượng đơn hàng sụt giảm, nên ngân hàng cũng khó giải ngân dù lượng vốn không thiếu. Nhưng nói như vậy không phải là các ngân hàng đóng cửa với các doanh nghiệp...

Linh hoạt giải pháp cho vay thu mua lúa gạo

Trước kia, doanh nghiệp phải tới tận chi nhánh ngân hàng để hoàn thiện hồ sơ giải ngân, cấp vốn, hiện nay, nhiều ngân hàng đã áp dụng giải ngân trực tuyến ở các địa phương đang thực hiện giãn cách, một phần hồ sơ, thủ tục có thể gửi qua thư điện tử, hoặc chuyển phát.

Ông Phạm Như Ánh, Thành viên Ban điều hành Ngân hàng TMCP Quân đội MB, cho biết: "MB gặp khó khăn cho vay vốn ở các địa bàn giãn cách XH, gặp khó khăn trong ký kết tín dụng, tài sản đảm bảo, MB thỏa thuận với khách hàng, để chuyển dịch hồ sơ qua email, fax, nâng cấp 2 nền tảng app để khách hàng có thể vay vốn online".

Hơn 70% dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn, ngân hàng này đã tự động giảm lãi suất cho vay với toàn bộ khách hàng, mà không yêu cầu khách hàng phải làm đề xuất hay tới ngân hàng làm thủ tục.

Trong bối cảnh mọi chính sách cần được đưa ra nhanh chóng kịp thời để không gây thêm áp lực và khó khăn cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải nâng thẩm quyền cho các chi nhánh quyết định, để không xảy ra tình huống thiếu vốn. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích các NHTM giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%/năm với ngành lúa gạo.

Ngân hàng Nhà nước khuyến khích giảm 0,5% lãi suất cho vay

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết: "Cho vay lương thực lúc này là cơ hội để ngân hàng mở tăng tín dụng, khi nhu cầu tín dụng chưa cao, các lĩnh vực như hàng không du lịch trầm lắng, đây là cái cho vay được. Trong điều kiện dịch như thế này với thế giới, lương thực vẫn là chiến lược, rất khuyến khích giảm lãi suất",

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 7/2021, dư nợ cho vay ngành lúa gạo đạt gần 145 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm ngoái. Hơn 1 nửa trong đó là dành cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện Ngân hàng Nhà nước cũng đang rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn để xem xét nới hạn mức cho các tổ chức tín dụng trong trường hợp cần thiết, đảm bảo đủ vốn cho vay thu mua, tạm trữ lúa gạo, cho vụ hè thu này, và cả vụ Đông xuân sắp tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước