Tại Việt Nam, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế cũng đang được đẩy mạnh, đã giúp thị trường chứng khoán trong nước tăng trưởng trở lại trên 20%. Tuy nhiên, đến giai đoạn này, mức định giá của thị trường đã cao hơn và thị trường cũng đang phải đối mặt với các phiên điều chỉnh sâu, khiến việc đầu tư cũng sẽ trở nên khó khăn hơn. Vậy, trong các đợt hậu khủng hoảng tài chính trước đây, khi thị trường giảm sâu và đi lên từ đáy thì các thị trường đã phục hồi theo mô hình như thế nào? Để từ đó nhà đầu tư có thêm những kinh nghiệm đầu tư trong các tình huống tương tự như thời điểm hiện tại.
Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, các chuyên gia đánh giá, các dữ liệu lịch sử đã chỉ ra rằng các diễn biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam có sự tương đồng nhất định với các thị trường chứng khoán trên thế giới, chính vì vậy các nhà đầu tư có thể tham khảo thêm về những diễn biến trước đây của các thị trường khác để có phương án đầu tư cho phù hợp.
BTV Mùi Khánh Ly: Như các ông cũng đã thấy, thời gian qua, thị trường tài chính toàn cầu đã phục hồi mạnh từ đáy và đến nay đã có một mức tăng trưởng khá, theo các ông, diễn biến thị trường tài chính toàn cầu thời gian tới sẽ đi theo hướng nào?
Ông Nguyễn Quang Đạt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DATX Việt Nam: Chúng tôi đánh giá thị trường tài chính toàn cầu ở hai khía cạnh tích cực và rủi ro tiềm ẩn. Đối với yếu tố tích cực, qua việc phân tích hơn 136 chỉ số khác nhau của các nền kinh tế lớn thế giới và có sức ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN… chúng tôi thấy rằng, thị trường tài chính thế giới đang hồi phục khá tích cực kể từ đầu năm đến giờ. Các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản đều có mức tăng trưởng khả quan lên đến 38,99%. Tuy nhiên, ở góc độ rủi ro tiềm ẩn thì chúng tôi vẫn đánh giá rằng, hiện nền kinh tế số hai thế giới là Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng chậm hơn dự kiến. Sự phục hồi kinh tế không như kì vọng của Trung Quốc có thể là một dấu hiệu của việc kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại trong thời gian tới.
Ông Lê Quang Chung, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS): Trong năm 2023, như ông Đạt cũng đã chia sẻ, thị trường Trung Quốc gần như đi ngang, với thị trường chứng khoán Mỹ thì tăng giá trở lại tiệm cận đỉnh cao của năm 2022, thị trường Châu Âu liên tục phá đỉnh cao mọi thời đại, còn thị trường Nhật Bản thì năm 2023 đã tăng mạnh tiệm cận đỉnh cao năm 1989 của họ…Trong thời gian tới, dự báo thị trường tài chính toàn cầu có xu hướng đi ngang rõ nét hơn, dựa vào những đánh giá về rủi ro tiềm ẩn. Và hiện tổng cầu trên toàn thế giới vẫn chưa thực sự cải thiện nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp. Đồng thời, sau khi đã tăng mạnh thì trong ngắn hạn, tôi cho rằng thị trường chứng khoán thế giới sẽ bước vào nhịp điều chỉnh.
BTV Mùi Khánh Ly: Vậy với dữ liệu từ các đợt hậu khủng hoảng tài chính thế giới trước đây, các ông thấy các đợt phục hồi từ đáy của thị trường đã diễn ra như thế nào?
Ông Lê Quang Chung, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS): Theo các thống kê của chúng tôi, thường sóng phục hồi sau khủng hoảng sẽ tăng rất là dốc, tăng bằng 50-60% so với sóng lên trước khi một cuộc khủng hoảng xảy ra. Ví dụ trước khi khủng hoảng đã tăng thêm được 1.000 điểm, và sau đó, khi thị trường giảm về đáy và phục hồi thì có thể sẽ lên lại 500-600 điểm ngay lập tức. Còn sau khi phục hồi dốc lại rồi thì lúc đó, nhà đầu tư sẽ phải dựa vào các yếu tố hiện có để phân tích thị trường sẽ đi theo hướng nào.
Ông Nguyễn Quang Đạt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DATX Việt Nam: Qua hệ thống phân tích và định lượng, chúng tôi đã tìm ra các điểm chung về ảnh hưởng của các sự kiện trong và ngoài nước đối với chỉ số VN-Index. Theo đó, sau các đợt điều chỉnh giảm mạnh của VN-Index, thị trường hầu hết đều phục hồi khá tốt, trung bình thị trường sẽ phục hồi 19%, đây là mức phục hồi trung bình sau sáu tháng đến một năm mỗi khi thị trường điều chỉnh hơn 10% (thống kê khoảng 15 sự kiện trong 20 năm gần đây - trong đó chỉ có 3 lần VN-Index sau khi giảm hơn 10% thì sau 6 tháng – 1 năm không hồi phục). Và đặc biệt, các đoạn hồi phục tiếp theo nếu có của thị trường sẽ khó mang lại được mức tăng ấn tượng như từ mức đáy.
BTV Mùi Khánh Ly: Còn tại thị trường Việt Nam, sau khi giảm sâu vào năm ngoái, thị trường đến nay đã phục hồi và tăng trưởng được khoảng 20%. Liệu rằng thị trường sẽ phục hồi giống như diễn biến của các thị trường chứng khoán trước đây không thưa hai ông?
Ông Nguyễn Quang Đạt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DATX Việt Nam: Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã hồi phục được khoảng 20%. Nếu tính từ đáy tháng 11 năm 2022, thị trường đã hồi phục trên 30%, trong đó có rất nhiều cổ phiếu hồi phục trên 100%.
Chúng tôi có phân tích và định lượng thị trường chứng khoán Việt Nam theo chu kỳ 4 năm. Chu kỳ này được ghi nhận qua sự biến chuyển về các chính sách và sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Ví dụ, trong giai đoạn vừa rồi, thông qua các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế do Chính phủ đưa ra, một số ngành kinh tế đã được hưởng lợi trực tiếp và kéo theo cổ phiếu của các nhóm ngành này cũng được hưởng lợi, tăng giá. Và cho dù thị trường có lên hay xuống thì hệ thống AI của chúng tôi sử dụng mô hình 5 lớp (mô phỏng hệ thống thần kinh của con người) cùng với hệ thống social listening có thể quy ra các chỉ số media và đưa ra được rất nhiều tín hiệu cho nhà đầu tư, tránh được những rủi ro bất ngờ của thị trường.
Ông Lê Quang Chung, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS): Rất tình cờ, bộ phân phân tích và nghiên cứu của chúng tôi cũng đang nghiên cứu chu kỳ 4 năm của thị trường, các giai đoạn 2011-2013, 2014-2017, 2018-2021 và dự kiến là 2022-2025, nhận thấy các đợt đang diễn ra theo đúng chu kỳ lịch sử, và diễn biễn của thị trường Việt Nam sau giai đoạn phục hồi cũng đang cho thấy đi theo các năm trước. Thị trường Việt Nam giai đoạn này tăng được 20% chúng tôi đánh giá là phù hợp với các chính sách vĩ mô đang có, với P/E khoảng 14,18 lần. Ở mặt bằng giá hiện tại, chúng tôi cho rằng mức định giá không đắt cũng không rẻ.
Thông thường, để tăng giá tiếp, nhà đầu tư cần nhìn vào triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp như cải thiện lợi nhuận gộp, tăng trưởng doanh thu, tăng trưởng EPS để tìm động lực tăng trưởng mới cho thị trường. Ngoài ra, cũng có thể xảy ra trường hợp khi sự hưng phấn vẫn có thể kéo, và khi đó chỉ số giao dịch quanh vùng định giá 10-11 lần thường được coi là rẻ trong bối cảnh lãi suất như hiện tại, còn mức 14-16 lần là hợp lý, còn 20-22 sẽ là đắt.
Thực tế, thị trường Việt Nam đã phục hồi nhưng nếu so với các thị trường khác thì vẫn còn chưa thực sự phục hồi nhiều. Chúng tôi kỳ vọng năm sau thị trường sẽ đi theo xu hướng tích cực hơn.
BTV Mùi Khánh Ly: Vậy theo các ông dự báo, với lần phục hồi này, thị trường có thể tăng lên mức cũ đã từng đạt được là 1.500 điểm hoặc xa hơn không?
Ông Lê Quang Chung, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS): Chúng ta nên nhìn mốc 1.300 điểm sẽ khả thi hơn, tuy nhiên khá là khó để đoán được chỉ số. Về ngắn hạn, giai đoạn này chúng ta nên theo dõi theo tỷ giá để đánh giá những diễn biến của thị trường. Thứ hai, tăng trưởng tín dụng chúng ta đang gặp khó khi mà tiếp tục tăng trưởng âm trong tháng 7. Mức định giá P/E cho năm 2023 đang được tính toán ở mức 14,5 lần, thấp hơn mức trung bình là 16,5 lần. Định giá P/B hiện ở mức 1,8 lần, dự báo đến hết năm 2023 ở khoảng 1,7 lần, vẫn hấp dẫn so với mức trung bình là 2,2 lần. Tuy nhiên, việc tăng tiếp trở lại sẽ chậm chứ không nhanh, mức 1.500 điểm thể chúng ta sẽ đạt được vào năm 2024 nếu không có những yếu tố được gọi là "thiên nga đen" như năm 2022.
Về triển vọng những tháng cuối năm, doanh nghiệp Việt Nam đã tạo đáy kết quả kinh doanh vào quý II, bắt đầu dần hồi phục trong quý III và dự kiến có thể tăng trưởng mạnh trong quý IV. Tôi cho rằng thị trường chứng khoán luôn tồn tại cơ hội ngắn hạn và dài hạn, tùy thuộc khẩu vị và sở trường của nhà đầu tư. Sau khi kết quả kinh doanh quý II được công bố, thị trường chứng khoán tiến vào vùng trống thông tin. Đây là giai đoạn nhà đầu tư có thể đánh giá lại danh mục, theo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm để lựa chọn cổ phiếu của doanh nghiệp có kết quả tăng trưởng tốt.
Ông Nguyễn Quang Đạt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DATX Việt Nam: Về phía chúng tôi đã thông qua hệ thống AI để định lượng ra bài toán xác suất và đã đưa ra dự đoán tỷ lệ là 58% có xảy ra và 42% là không xảy ra. Hiện các số liệu của chúng tôi sẽ được cập nhật vào tuần thứ 2 hàng tháng với đầy đủ dữ liệu. Có rất nhiều dữ liệu chúng tôi thu thập như báo cáo kết quả kinh doanh các quý, chiến thuật cơ cấu tài sản của các quỹ, tăng trưởng tài sản và nợ của khối ngân hàng, doanh thu margin của công ty chứng khoán, tin tức và thời sự chính trị, tương quan giữa nền kinh tế có giao thương lớn với việt nam và nhiều chỉ số khác… để từ đó hệ thống cập nhật và đưa ra các xác suất mà tôi vừa chia sẻ.
BTV Mùi Khánh Ly: Trong đợt phục hồi vừa rồi, nhiều nhà đầu tư cũng đã thu được lợi nhuận, nhưng cũng có những nhà đầu tư chưa thực sự quay lại thì trường. Với những phân tích ở trên thì theo các ông, nhà đầu tư nên làm gì vào thời điểm này?
Ông Lê Quang Chung, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Smart Invest (AAS): Thông thường với giai đoạn phục hồi ban đầu, thị trường đi lên từ đáy nên các cổ phiếu có sự tăng giá đồng đều giúp các nhà đầu tư dễ có lãi hơn, chỉ là lãi ít hay lãi nhiều. Đến giai đoạn này, thị trường sẽ phân hóa hơn và nhà đầu tư cần có góc nhìn rõ hơn về triển vọng của từng ngành nghề, doanh nghiệp và xây dựng cho mình một phương pháp giao dịch cụ thể, tuân thủ theo kỷ luật để thực hiện chiến lược đó.
Theo đánh giá của chúng tôi, thời điểm hiện tại chúng ta có thể quan tâm đến một số nhóm ngành như bán lẻ, bất động sản khu công nghiệp hay đầu tư công, hoặc với bối cảnh thanh khoản và thị trường sôi động trở lại thì nhóm chứng khoán cũng là nhóm có thể quan tâm. Ngoài ra, giá lúa gạo thế giới và Việt Nam đang tiếp tục tăng giá giúp cổ phiếu ngành gạo bứt phá…
Ông Nguyễn Quang Đạt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DATX Việt Nam: Về dự báo thị trường từ nay đến cuối năm thì đây là giai đoạn mà chúng ta cần phải sàng lọc kỹ hơn. Ví dụ như liệu cổ phiếu đó có tiềm năng tăng trưởng hay không? Hay còn ở mức định giá hấp dẫn hay không?...Để hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết bài toán này thì chúng tôi có một hệ thống AI dựa trên các yếu tố đầu vào như biến số đầu tư, kinh tế, thị trường, hệ thống social media…đưa ra những tâm lý hành vi trên thị trường chứng khoán để từ đó giúp cảnh báo tín hiệu rủi ro cho nhà đầu tư trước trong vòng 1-2 ngày, để hạn chế rủi ro cũng như gia tăng hiệu quả cho nhà đầu tư. Và những phân tích và định lượng đó đã chỉ ra những nhóm ngành như bất động sản khu công nghiệp hay nhóm đầu tư công với tình hình giải ngân đầu tư công năm đến hết 31/7/2023 đạt khoảng 35,17%. Mặc dù tỷ lệ giải ngân chưa quá nổi bật nhưng đã có những tín hiệu tăng tốc giải ngân trong 2 tháng gần đây và những tháng còn lại của năm 2023.
Bên cạnh đó, bất chấp những khó khăn, cổ phiếu ngân hàng cũng đã tăng tốt trong nửa đầu năm 2023. Chính sách tiền tệ và hai thông tư liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho phép ngân hàng cơ cấu để giữ nguyên nhóm nợ, việc không phải trích lập dự phòng rủi ro là điều tích cực cho ngân hàng và các doanh nghiệp có thể tiếp cận được với nguồn vốn giá rẻ hơn để phục vụ kinh doanh và sản xuất. Ngành ngân hàng chủ động ứng phó được các sự kiện gần đây và hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro có thể là điểm sáng và là nền tảng để đẩy mạnh tín dụng trong giai đoạn tới.
BTV Mùi Khánh Ly: Xin cảm ơn hai ông về những thông tin trên!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!