Tại Indonesia, sau một năm vận hành thương mại, tuyến đường sắt tốc độ cao Jakarta-Bandung của nước này đã phục vụ trên 4 triệu lượt khách, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới, nhất là lĩnh vực du lịch và công nghiệp. Tuy nhiên, giới nghiên cứu cho rằng tuyến đường sắt này vẫn có thể mang lại hiệu quả cao hơn nữa nếu được lập kế hoạch một cách kỹ lưỡng hơn.
Việc di chuyển giữa Jakarta và Bandung giờ đây đã thuận tiện hơn rất nhiều. Với tốc độ lên đến 350 km/h, con tàu này chỉ mất khoảng 40 phút để hoàn thành quãng đường dài 142 km, qua 4 nhà ga. Theo giới nghiên cứu, đây là một bước đột phá trong lĩnh vực giao thông vận tải ở Indonesia và khu vực.
Tiến sĩ Siwage Dharma Negara - Nhà nghiên cứu về Indonesia, Viện ISEAS - Yusof Ishak Singapore cho biết: "Cần chú trọng đến vị trí, khoảng cách giữa các nhà ga, phải kết nối với các khu vực đông dân cư và có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia".
Đây là một bước đột phá trong lĩnh vực giao thông vận tải ở Indonesia và khu vực
Bên cạnh đó, để không bị đội vốn, cần có những cơ chế đặc thù, kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp phát sinh trong quá trình xây dựng.
Tiến sĩ Siwage Dharma Negara - Nhà nghiên cứu về Indonesia, Viện ISEAS - Yusof Ishak Singapore cho biết thêm: "Việc giải phóng mặt bằng chậm trễ đã làm trì hoãn quá trình xây dựng dự án khoảng 3-4 năm và ngân hàng không thể giải ngân. Trên thực tế, các ngân hàng thường yêu cầu phải có tiến độ nhất định thì mới được giải ngân".
Anh Michael Hutahafan - Phó Giám đốc Chương trình, Sáng kiến Phát triển Phục hồi (RDI) nêu ý kiến: "Cần đánh giá kỹ mọi tác động của dự án cũng như những tình huống có thể phát sinh trong quá trình xây dựng và huy động nguồn tài chính. Cần phải có các phương án xử lý những chi phí không thể lường trước".
Ngoài ra, khi đi vào vận hành thương mại vẫn cần nguồn kinh phí rất lớn để trả lương cho nhân viên và duy trì hệ thống. Do đó, sự tham gia của các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương là rất cần thiết.
Tiến sĩ Siwage Dharma Negara - Nhà nghiên cứu về Indonesia, Viện ISEAS - Yusof Ishak Singapore chia sẻ: "Chính phủ không thể thực hiện dự án một mình. Bởi muốn thành công thì phải có nhiều hành khách. Để có được điều này, các doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, vì họ biết cách thu thú khách hàng. mỗi vùng miền sẽ có những đặc điểm văn hóa, thế mạnh khác nhau".
Các nhà nghiên cứu tại Singapore cũng cho rằng, nếu như có sự kết hợp giữa mô hình nhà ga tàu điện hiện đại của Singapore với tàu tốc độ cao của Indonesia, thì lợi ích đạt được từ các tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ vô cùng lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!