Kỳ vọng từ Dự án đường sắt tốc độ cao

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 05/10/2024 13:05 GMT+7

VTV.vn - Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ giúp tăng thêm gần 1 điểm phần trăm GDP bình quân mỗi năm của cả nước so với không đầu tư dự án.

Kỳ vọng phục vụ tối đa nhu cầu đi lại của người dân

Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và quyết định vào Kỳ họp thứ 8 vào cuối tháng này. Đây là dự án lớn nhất, hiện đại nhất từ trước đến nay, có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 67 tỷ USD, tương đương với khoảng 1,7 triệu tỷ đồng theo tỷ giá hiện hành.

Theo phương án được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra, toàn tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ có 23 ga khách. Cự ly trung bình khoảng 67 km. Mỗi tỉnh thành đi qua đều có ít nhất một ga sẽ có thể phục vụ tối đa nhu cầu đi lại của người dân.

Ông Nguyễn Đại Tường - Nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: "Nguyên tắc của đường sắt cao tốc là phải nối được từ điểm đến điểm, tức là từ các trung tâm của các thành phố lớn để đảm bảo được lượng hành khách".

Nhìn rộng ra trên phạm vi cả nền kinh tế, dự án nếu được thông qua triển khai và vận hành sau đó sẽ quay trở lại đóng góp cho nền kinh tế bằng cách tạo ra hàng triệu việc làm và thu nhập cho người dân, doanh nghiệp. Nghiên cứu cũng cho thấy, dự án sẽ giúp tăng thêm gần 1 điểm phần trăm GDP bình quân mỗi năm của cả nước so với không đầu tư dự án. Như xét riêng về khía cạnh vận tải hàng hoá và hành khách.

Kỳ vọng từ Dự án đường sắt tốc độ cao - Ảnh 1.

Đường sắt tốc độ cao được xem là phương thức vận tải quan trọng

Kỳ vọng hiệu quả trong vận tải

Đường sắt tốc độ cao được xem là phương thức vận tải quan trọng, có khối lượng lớn, giúp phân bổ lại theo đúng ưu tiên của mỗi phương thức vận tải hành khách hiện nay. Chỉ riêng trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, đến năm 2050 được dự báo sẽ vận chuyển từ 1,1-1,3 tỷ lượt hành khách mỗi năm và hàng hoá lên tới 1,4-1,7 tỷ tấn/năm.

Khối lượng này sẽ do tất cả các loại hình vận tải đảm nhiệm. Trong đó, đối với hàng hóa, đường biển và đường sông có ưu thế vận chuyển khối lượng lớn, chi phí rẻ nên sẽ cùng với đường sắt hiện hữu khi cải tạo, nâng cấp đảm nhận.

Còn với hành khách, cự ly ngắn dưới 150 km, ưu thế thuộc về đường bộ. Cự ly trung bình 150 km-800 km thuộc về đường sắt tốc độ cao và cự ly dài trên 800 km ưu thế thuộc về hàng không và đường sắt tốc độ cao.

Ông Đào Ngọc Vinh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) cho biết: "Cự ly 800 chẳng hạn có thể là giữa Hà Nội đến Nha Trang hoặc từ Vinh đến TP. Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng đến TP. Hồ Chí Minh, không phải nhất thiết cứ phải tính từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh. Bởi vì khách lên khách xuống ở các cự ly rất linh hoạt".

Dự án Đường sắt tốc độ cao khi được thông qua sẽ tạo ra một thị trường rộng lớn, trong đó hạ tầng chiếm khoảng 40 tỷ USD và phương tiện thiết bị khoảng 27 tỷ USD. Mục tiêu là sẽ làm chủ công nghiệp xây dựng, từng bước làm chủ và nội địa hoá về chế tạo toa xe, hệ thống cấp điện, thông tin tín hiệu. Tự chủ toàn bộ vận hành, bảo trì và sản xuất một số linh kiện thay thế.

Có thể thấy, có rất nhiều lợi ích từ đường sắt tốc độ cao và chủ trương vẫn đang chờ Quốc hội xem xét phê duyệt và quyết định tại kỳ họp thứ 8 diễn ra vào cuối tháng này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước