Kinh tế 2023, dự báo 2024: Kinh tế Việt Nam qua góc nhìn của các chuyên gia quốc tế

TTXVN-Thứ sáu, ngày 22/12/2023 11:54 GMT+7

VTV.vn - Năm 2023, kinh tế Việt Nam đã cho thấy sự kiên cường,vững vàng, sẵn sàng vượt sóng để trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tích cực của thế giới.

Năm 2023 tiếp tục là một năm nhiều sóng gió đối với kinh tế thế giới. Trong khi đại dịch vẫn đang để lại hậu quả nặng nề, một loạt thách thức mới lại xuất hiện, bao gồm các cuộc xung đột địa chính trị, xu hướng thắt chặt tiền tệ tại các nền kinh tế lớn, tăng trưởng giảm tốc… Theo các chuyên gia và truyền thông quốc tế, trong bối cảnh đó kinh tế Việt Nam đã cho thấy sự kiên cường,vững vàng, sẵn sàng vượt sóng để trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tích cực của thế giới.

* Thách thức bủa vây kinh tế toàn cầu

Trong báo cáo về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu được công bố ngày 10/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng 3% trong năm nay, không thay đổi so với với dự báo mà tổ chức này đưa ra hồi tháng Bảy. Nhưng IMF đã hạ 0,1 điểm phần trăm trong dự báo tăng trưởng của năm 2024 xuống 2,9%. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) thậm chí cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chỉ đạt 2,1% trong năm nay.

Đối với khu vực châu Á, trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 12/2023, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm 2023. Kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 5,2%, sau khi tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư công đẩy mạnh tăng trưởng trong quý III. Triển vọng tăng trưởng của Ấn Độ đã được nâng từ 6,3% lên 6,7% nhờ tốc độ tăng trưởng hai chữ số của lĩnh vực công nghiệp.

Kinh tế 2023, dự báo 2024: Kinh tế Việt Nam qua góc nhìn của các chuyên gia quốc tế - Ảnh 1.

Trong khi đó, triển vọng tăng trưởng cho Đông Nam Á trong năm nay đã giảm từ 4,6% xuống còn 4,3%, trong bối cảnh nhu cầu đối với các sản phẩm xuất khẩu suy yếu.

Theo ADB, lãi suất tăng cao liên tục ở Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác có thể gây bất ổn tài chính tại các nền kinh tế dễ bị tổn thương trong khu vực, đặc biệt là những nước có nợ cao. Khả năng gián đoạn nguồn cung do hiện tượng thời tiết El Niño hoặc cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng có thể kích hoạt lạm phát, đặc biệt liên quan đến lương thực và năng lượng.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, nhận định: "Châu Á đang tiếp tục tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ, bất chấp môi trường toàn cầu đầy thách thức. Lạm phát trong khu vực cũng dần được kiểm soát. Tuy nhiên, rủi ro vẫn còn đó, từ việc lãi suất toàn cầu tăng cao cho đến các hiện tượng khí hậu như El Niño. Các chính phủ ở châu Á và Thái Bình Dương cần phải luôn cảnh giác để bảo đảm nền kinh tế có khả năng thích ứng và tăng trưởng bền vững".

*Những nhận định tích cực cho kinh tế Việt Nam

Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam ông Andrea Coppola, nhận định suy thoái toàn cầu là cú sốc lớn đối với nền kinh tế mở của Việt Nam. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng mà nhiều quốc gia trên thế giới kỳ vọng.

Tăng trưởng kinh tế ở Mỹ là khoảng 2,5% trong năm 2023. Tại Khu vực đồng euro (Eurozone), tăng trưởng thậm chí còn yếu hơn, chỉ ở mức khoảng 0,5%. Trong khi đó, WB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm 2023, trước khi phục hồi về mức 5,5% trong năm 2024 và 6,0% trong năm 2025.

Trong khi đó, báo cáo mới nhất do ADB công bố mới đây đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam về mức 5,2% trong năm 2023 và tăng trưởng trong năm 2024 được dự báo duy trì ở mức 6,0%. Dù vậy, ADB vẫn cho rằng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là khá tốt so với nhiều nước trong khu vực.

Kinh tế 2023, dự báo 2024: Kinh tế Việt Nam qua góc nhìn của các chuyên gia quốc tế - Ảnh 2.

Hình minh họa

ADB cho rằng sự phục hồi yếu hơn dự kiến của nhu cầu bên ngoài tiếp tục cản trở tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ, làm chậm quá trình phục hồi của việc làm và tiêu dùng trong nước của Việt Nam. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ thận trọng và chủ động sẽ giúp kiểm soát lạm phát. Dự báo lạm phát tại Việt Nam được duy trì ở mức 3,8% cho năm 2023 và 4,0% cho năm 2024.

Trong một bài viết vào tháng 11/2023, Bloomberg Economics đánh giá Việt Nam là một trong 5 nước được nhắc tới từ sự tái sắp xếp chuỗi cung ứng toàn cầu. Cụ thể, cơ quan nghiên cứu vĩ mô của Bloomberg cho rằng nhóm 5 quốc gia bao gồm Việt Nam, Ba Lan, Morocco, Mexico và Indonesia đang nổi lên như những đối tác thương mại và điểm đến đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang trên toàn cầu.

Theo Bloomberg Economics, 5 nước này chiếm 4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, nhưng lại thu hút hơn 10% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tương đương 550 tỷ USD, trong tổng số các dự án mới đầu tư vào lĩnh vực xanh kể từ năm 2017. Trước đó, Bloomberg cũng cho rằng nền kinh tế đang phát triển nhanh đã khiến Việt Nam trở thành mảnh đất hấp dẫn cho các công ty khởi nghiệp.

Nhận định về khu vực Đông Nam Á, công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey cho rằng Đông Nam Á là điểm sáng trong bức tranh suy giảm kinh tế toàn cầu, với một nhóm nước đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong quý III/2023, trong đó có Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam.

Theo McKinsey, các điều kiện bên ngoài và nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu không mấy khả quan ở khu vực Đông Nam Á đã khiến tốc độ tăng trưởng khu vực chậm lại trong quý III/2023. Xuất khẩu hàng hóa sản xuất của Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức do nhu cầu giảm ở các thị trường trọng điểm như Liên minh châu Âu và Mỹ.

Tuy nhiên nhu cầu trong nước, chi tiêu chính phủ và sự phục hồi của ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch, đã góp phần mang lại triển vọng việc làm và thu nhập tốt hơn, từ đó hỗ trợ tăng trưởng, đặc biệt là ở Philippines và Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê (GSO), kinh tế Việt Nam trong quý III/2023 tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, nền kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng 4,14% trong quý II/2023.

Trong khi đó, trang tin tức thị trường Yahoo!finance đăng bài viết cho biết Việt Nam, Trung Quốc và một số nước châu Á nằm trong số 20 nước có mức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới trong 10 năm trở lại đây. Số liệu trong bài viết dựa trên nguồn số liệu của IMF. Cụ thể, các nhà phân tích đã xem xét mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực sau khi điều chỉnh lạm phát, dựa vào dữ liệu trong giai đoạn 2012-2022 để tính mức tăng trưởng trung bình trong 10 năm qua. Theo đó, với mức tăng trưởng GDP thực trung bình là 6,1% trong một thập niên trở lại đây, Việt Nam thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Trong đó, ngành nông nghiệp của Việt Nam là trụ cột quan trọng của nền kinh tế, vừa đóng góp cho GDP, vừa tạo việc làm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước