Các chính phủ châu Á đang phản ứng với những thách thức này như thế nào?
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đầu tháng 1, một khách sạn 4 sao tại ngoại ô thủ đô Kuala Lampur của Malaysia, đã chứng kiến lượng đặt phòng sụt giảm hơn một nửa. Bản thân đội ngũ nhân viên cũng cảm thấy tương đối lo ngại khi làm việc với các khách đặt phòng đến từ những vùng có dịch.
Câu chuyện của khách sạn trên là một khái quát cho nhiều khó khăn chung của các doanh nghiệp châu Á trong dịch COVID-19. Lượng khách sụt giảm, sản xuất đình đốn do tắc chuỗi cung ứng.
Tuần trước, GDP Quý I của Singapore được công bố giảm hơn 10% so với quý trước đó, mức sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 2009. Dự báo tăng trưởng cả năm của một con hổ châu lục khác là Hàn Quốc, liên tục hạ từ 1,9%, xuống 1,4% và bây giờ chỉ còn 0,1%.
Đi cùng việc quyết liệt chống dịch, ưu tiên hàng đầu của khu vực cũng đang là hỗ trợ nền kinh tế như hạ lãi suất và các gói cứu trợ lớn. Gói kích thích trị giá 33 tỷ USD của Singapore là nỗ lực mới nhất trong xu thế này, trong đó, Nhật Bản đang đi đầu với con số lên tới 276 tỷ USD.
Vốn chưa chịu nhiều ảnh hưởng từ COVID-19 nhưng chính phủ Ấn Độ cũng vừa tung ra gói hỗ trợ lên đến hơn 22 tỷ USD cho người dân bị tác động, khi nước này công bố phong tỏa diện rộng ngăn dịch.
Một tín hiệu tích cực khác, theo các chuyên gia, là nền kinh tế số 2 thế giới Trung Quốc đã hầu như mở cửa lại các hoạt động sản xuất. Điều này sẽ góp phần giúp cho kinh tế của châu lục có thêm đà phục hồi nhưng cũng sẽ là thách thức khi mà nhu cầu từ thị trường phương Tây vẫn đang suy yếu vì dịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!