Kinh tế châu Âu có thể rơi vào suy thoái

VTV Digital-Thứ năm, ngày 10/03/2022 18:06 GMT+7

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Đức. (Ảnh: Reuters)

VTV.vn - Ngân hàng Barclays dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực Eurozone trong năm nay sẽ lao dốc mạnh.

Các biện pháp trừng phạt châu Âu áp lên Nga đã đẩy giá năng lượng toàn cầu tăng cao, trong khi niềm tin của người tiêu dùng châu Âu lao dốc.

Ngân hàng Barclays dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực Eurozone trong năm nay sẽ lao dốc mạnh còn 2,4%, tức giảm 1,7 điểm phần trăm so với trước đó. Thậm chí cảnh báo suy thoái đã được tính tới.

Hiện tiêu dùng của khu vực tư nhân, đầu tư và xuất khẩu, tất cả đều được dự báo sẽ sụt giảm trên toàn bộ lục địa già. Tình trạng này khiến Barclays nâng dự báo lạm phát ở Eurozone trong năm nay lên 5,6%, cao hơn 1,9 điểm phần trăm so với trước đó.

Những biến động hiện nay đang mở đường cho một thời kỳ với lạm phát tăng nóng và tăng trưởng kinh tế nguội lạnh tại EU. Điều đó có nghĩa ECB có thể sẽ không thể nâng lãi suất trước tháng 3/2022 và chưa vội đưa ra bất kỳ cam kết nào về kết thúc chương trình nới lỏng định lượng.

Châu Âu hiện nay thậm chí đang đối mặt với một rủi ro, đó là khả năng xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế và lạm phát ngoài tầm kiểm soát. Dù đã mạnh tay hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Âu, Barclays nói rằng nền kinh tế có thể rơi vào một tình trạng tồi tệ hơn nhiều so với dự báo. Ngân hàng này cảnh báo tình hình của châu Âu hiện nay rất bất định.

Công ty nghiên cứu Capital Economics nhận định, nếu Mỹ và EU cùng cấm hoàn toàn nhập khẩu năng lượng từ Nga, giá dầu Brent sẽ tăng lên mức 160 USD/thùng và nền kinh tế Eurozone sẽ có cuộc suy thoái thứ ba kể từ khi COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu.

"Một sự sụp đổ của thương mại năng lượng với Nga sẽ đồng nghĩa với việc nhiều nơi ở châu Âu phải chuyển sang chế độ phân phối năng lượng. Khi đó, các chuỗi cung ứng sẽ đứt gãy và áp lực lạm phát toàn cầu sẽ càng tăng cao hơn", chuyên gia kinh tế Caroline Bain của Capital Economics nói, "giá năng lượng cao hơn cũng đẩy cao thêm giá của các loại nông sản và kim loại công nghiệp".

Nga - quốc gia với xuất khẩu năng lượng giữ vai trò là nguồn thu ngân sách chủ chốt - đã cảnh báo phương Tây về những hậu quả tồi tệ nếu ngừng mua dầu thô và khí đốt của Nga. Phát biểu trên truyền hình quốc gia Nga vào hôm thứ Hai (7/3) tuần này, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nhấn mạnh: "Việc từ chối dầu Nga sẽ dẫn tới những hậu quả thảm khốc cho thị trường toàn cầu".

"Không ai dám chắc giá dầu sẽ tăng đến đâu. Giá dầu có thể lên tới 300 USD/thùng, thậm chí hơn", ông Novak, người cũng giữ vai trò Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga, nói thêm.

Ngày 8/3, Mỹ đã tuyên bố cấm nhập khẩu các loại năng lượng hóa thạch, trong đó có dầu thô và khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, các quan chức EU trong tuần này đã làm rõ lập trường rằng họ chưa thể tham gia cùng với Mỹ trong một biện pháp trừng phạt như vậy nhằm vào Nga, bởi nếu châu Âu không nhập năng lượng từ Nga, thì các hộ gia đình và doanh nghiệp trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tình trạng hiện nay đang đặt các ngân hàng trung ương, bao gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), vào thế khó. Cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của ECB sẽ diễn ra vào ngày thứ Năm tuần này.

Châu Âu công bố kế hoạch giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga Châu Âu công bố kế hoạch giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga

VTV.vn - Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố kế hoạch cắt giảm 2/3 sự phụ thuộc của khối vào khí đốt của Nga trong năm nay và chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc này trước năm 2030.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước