Kinh tế Mỹ bước vào quý II/2024 với tốc độ chậm hơn

PV-Thứ sáu, ngày 17/05/2024 18:34 GMT+7

Kinh tế Mỹ bước vào quý II/2024 với tốc độ chậm lại

VTV.vn - Một loạt báo cáo công bố trong tuần này cho thấy kinh tế Mỹ bước vào quý II/2024 với tốc độ chậm lại.

Tốc độ tăng trưởng chậm lại

Một loạt báo cáo công bố trong tuần này cho thấy kinh tế Mỹ bước vào quý II/2024 với tốc độ chậm lại, thêm bằng chứng về việc nhu cầu đang yếu đi, cho phép Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể hạ lãi suất.

Số liệu công bố ngày 16/5 cho thấy hoạt động xây dựng mới nhà ở và hoạt động chế tạo tại Mỹ đều ở mức thấp hơn dự kiến. Theo các báo cáo trước đó, doanh số bán lẻ giảm mạnh và lạm phát lần đầu tiên giảm trong 6 tháng.

Tốc độ khởi công xây dựng nhà chậm hơn dự kiến và số giấy phép xây dựng giảm cho thấy lãi suất thế chấp tăng gần đây khiến các nhà thầu thận trọng để đánh giá triển vọng nhu cầu. Lòng tin trong lĩnh vực này cũng chịu tác động khi lãi suất thế chấp vẫn ở mức trên 7%.

Trong khi đó, sản lượng công nghiệp đình trệ trong tháng 4/2024, khi sản lượng của các nhà máy giảm, do sự lạc quan hồi đầu năm về tăng trưởng của lĩnh vực chế tạo giảm bớt.

Chế tạo, lĩnh vực chiếm 3/4 tổng sản lượng công nghiệp, gặp khó khăn lớn hơn, do giá nguyên liệu đầu vào tăng và nhu cầu không đồng đều.

Chỉ số mới nhất về hoạt động chế tạo theo Viện Quản lý Nguồn cung đã cho thấy sự suy giảm trở lại trong tháng 4, sau khi lĩnh vực này tăng trưởng lần đầu tiên kể từ năm 2022 trong tháng 3/2024.

Trước đó, báo cáo công bố ngày 15/5 cho thấy doanh số bán lẻ giảm đối với 7 trong số 13 sản phẩm. Đa phần chi tiêu là cho các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và xăng, thay vì cho các hàng hóa không thiết yếu.

Doanh số bán lẻ giảm sau hai tháng trước tăng mạnh, cho thấy lãi suất cao và ngân sách eo hẹp có thể khuyến khích người tiêu dùng hạn chế chi tiêu cho hàng hóa không thiết yếu.

Báo cáo cùng ngày 15/5 cho thấy lạm phát giá tiêu dùng giảm lần đầu tiên trong 6 tháng. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 4 vừa qua tăng 3,4%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với mức tăng tương ứng của tháng 3.

Fed cần kiên nhẫn

Trong các phát biểu ngày 16/5, các quan chức Fed nói lãi suất sẽ vẫn ở mức cao trong thời gian dài hơn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho rằng các số liệu mới cho thấy nền kinh tế đang chậm lại, điều có thể cho các nhà hoạch định chính sách lòng tin rằng họ cần hạ lãi suất.

Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 14/5 nói Fed cần kiên nhẫn và để chính sách tiền tệ thắt chặt phát huy tác dụng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 4 vừa qua đứng ở mức 3,4%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với mức tương ứng của tháng 3. Kết quả này phù hợp với dự báo trung bình của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones Newswires và The Wall Street Journal.

Dữ liệu này ủng hộ thông điệp của chính quyền Tổng thống Biden rằng nền kinh tế Mỹ đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất khi có vẻ đã "xoa dịu" được phần nào mối lo ngại của người tiêu dùng về tác động của việc tăng giá. Đây được xem là lợi thế cho ông Biden trong cuộc tái đối đầu với cựu tổng thống Donald Trump có thể diễn ra vào cuối năm nay.

Tính theo tháng, lạm phát của Mỹ trong tháng 4 ở mức 0,3%, thấp hơn một chút so với dự báo. Nhà kinh tế trưởng Rubeela Farooqi của công ty nghiên cứu thị trường High Frequency Economics (HFE) viết trong một báo cáo gửi khách hàng: "Nhìn chung, áp lực giá vẫn tăng nhưng đang đi đúng hướng".

Kinh tế Mỹ bước vào quý II/2024 với tốc độ chậm hơn - Ảnh 1.

Chi tiêu của người tiêu dùng có xu hướng "hạ nhiệt"

Ngoài việc là tin tốt cho Chính phủ Mỹ, dữ liệu CPI tháng 4 còn giúp ích cho Fed, ngân hàng đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 23 năm trong nỗ lực đưa lạm phát trở lại mục tiêu dài hạn là 2%. Ông Farooqi cho biết: "Chúng tôi nghĩ rằng dữ liệu về CPI mới nhất ủng hộ cách tiếp cận kiên nhẫn của Fed trong cuộc chiến chống lạm phát". Đây là tháng đầu tiên, chỉ số CPI hàng năm của Mỹ chậm lại kể từ tháng 1/2024, mặc dù cả số liệu hàng năm và hàng tháng vẫn ở mức quá cao.

Cũng theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số CPI "cốt lõi" (không tính giá thực phẩm và năng lượng) trong tháng 4/2024 đã tăng 0,3% so với một tháng trước đó, cũng thấp hơn một chút so với mức tăng của tháng 3.

Chi tiêu của người tiêu dùng có xu hướng "hạ nhiệt"

Trong khi đó, doanh số bán lẻ ở Mỹ không thay đổi trong tháng 4/2024, bất chấp kỳ vọng của các nhà phân tích rằng doanh số này sẽ tiếp tục tăng. Đây là dấu hiệu cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng đang có xu hướng "hạ nhiệt".

Bộ Thương mại Mỹ cho biết, tổng doanh thu bán lẻ của Mỹ được giữ ổn định từ tháng 3, ở mức 705,2 tỷ USD. Trái với kỳ vọng của các nhà phân tích là tăng 0,4%.

Khoảng 2/3, tương đương 65% số người trưởng thành ở Mỹ được CNBC/SurveyMonkey khảo sát vào mùa Xuân này cho biết lạm phát là nguyên nhân chính gây ra tình trạng căng thẳng tài chính của họ. Gần một nửa trong số những người tham gia khảo sát cảm thấy họ đang ở trong tình trạng tài chính tồi tệ hơn so với 5 năm trước.

Bà Lindsay Owens, Giám đốc điều hành của tổ chức tư vấn phi lợi nhuận Groundwork Collaborative, cho biết: "Tôi nghĩ người Mỹ hơi bối rối khi họ thấy các báo cáo tin tức về lạm phát đang chậm lại, nhưng họ lại không nhận thấy bất kỳ giá cả hàng hóa nào đang giảm".

Có một sự khác biệt quan trọng giữa lạm phát tăng chậm hơn - một hiện tượng gọi là thiểu phát - và lạm phát tự đảo ngược, dẫn đến giá cả giảm. Các nhà kinh tế gọi vế sau là giảm phát, thường liên quan đến nền kinh tế đang suy thoái và suy thoái tiềm ẩn.

Dữ liệu lịch sử cho thấy giá tăng dễ dàng hơn nhiều so với giảm. Khi chúng giảm, đó thường là kết quả của việc mọi người chi tiêu ít hơn, điều này hiện không xảy ra. Doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý đầu tiên của năm nay và chi tiêu tiêu dùng đã tăng vọt trong tháng 2 và tháng 3.

Trong khi đó, một loạt doanh nghiệp Mỹ đang phải đối mặt với một vấn đề mà họ không nghĩ sẽ gặp phải trong năm nay; đó là đồng USD tăng giá.

Đầu năm 2023, nhiều nhà quan sát thị trường tin rằng đồng USD sẽ yếu đi trong năm 2024 do Fed sẽ cắt giảm lãi suất. Nhưng hành động đó vẫn chưa xảy ra và chỉ số đồng USD, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chủ chốt, đã tăng 4% tính từ đầu năm tới nay. Khi tính chung trong ba năm qua, chỉ số này đã tăng khoảng 16%.

Trong khi những mức tăng đó phản ánh sức mạnh tương đối của nền kinh tế Mỹ, đồng USD tăng giá có thể là một vấn đề đối với một số công ty: đồng bạc xanh mạnh khiến các công ty đa quốc gia khó chuyển lợi nhuận nước ngoài sang USD hơn, đồng thời làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu. Các công ty đề phòng sức mạnh của đồng USD cũng phải dành nguồn lực cho các chiến lược phòng ngừa rủi ro, nhằm bù đắp những tác động của việc đồng tiền tăng giá đối với lợi nhuận của họ.

Tóm lại, ước tính từ bộ phận nghiên cứu thị trường thuộc ngân hàng Bank of America (BofA Global Research) cho thấy đồng USD cứ tăng 10% so với cùng kỳ năm trước sẽ làm giảm khoảng 3% thu nhập của các công ty thuộc nhóm chỉ số tổng hợp S&P 500.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước