Kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm”?

Lê Tuyển (PV Đài THVN thường trú tại Mỹ)-Thứ tư, ngày 07/09/2022 13:04 GMT+7

VTV.vn - Kinh tế thế giới đã bước sang tháng cuối của quý 3. Đây là thời điểm phải tính xem quý cuối kinh tế sẽ đi theo hướng nào. Với kinh tế Mỹ, từ "hạ cánh" được nhắc đến nhiều.

Trên Marketwatch, ngân hàng Goldman Sachs vừa khẳng định: "Kinh tế Mỹ đang trên đà hạ cánh mềm".

Bài báo lấy hình ảnh minh họa là chiếc Air Force 1 đang chuẩn bị hạ cánh kèm nhận định của ngân hàng này rằng còn quá sớm để khẳng định kinh tế Mỹ chắc chắn hạ cánh mềm, nhưng rõ ràng cơ trưởng Powell đang cho máy bay bay hạ cánh đúng hướng. Minh chứng là giá cả hàng hóa đã giảm sâu, đồng USD mạnh lên, chuỗi cung ứng hàng hóa được cải thiện…

Trong khi đó theo tờ Bưu điện Washington, mục tiêu ban đầu của "phi hành đoàn" FED là hạ cánh mềm. Tuy nhiên, đến nay cơ trưởng Powell dường như đang hướng tới 1 mục tiêu khác không êm ả bằng, đó là "suy giảm tăng trưởng".

Đó là khi nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm hơn mức 1,5 - 2% như thường thấy, nhưng chỉ chậm ở một số bộ phận của nền kinh tế. Phương án này theo như lý thuyết của cố chuyên gia kinh tế của Đại học New York Solomon Fabricant là giống như 1 con hổ bị nhốt. Con hổ đó chắc chắn không nguy hiểm như hổ chạy rông ngoài đường, nhưng nó cũng không phải là hổ giấy.

Kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm”? - Ảnh 1.

Theo Bloomberg, việc "chuyên cơ" kinh tế Mỹ hạ cánh mềm có thể khả thi. (Ảnh minh họa - Ảnh: AP)

Không phải hổ giấy, nghĩa là không hoàn toàn vô hại. Ở chừng mực nào đó, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng, chỉ có điều các nhà hoạch định chính sách kiểm soát ra sao.

Theo Bloomberg, việc "chuyên cơ" kinh tế Mỹ hạ cánh mềm có thể khả thi, nhưng lạm phát cao và xu hướng đồng USD tăng giá sẽ là vấn đề. Đó sẽ là những nền kinh tế thịnh vượng cỡ nhỏ như Canada, Australia, New Zealand, Na Uy, Thụy Điển vốn tái đầu tư nhiều vào bất động sản. Trong khi lạm phát giá nhà toàn cầu đã ở mức kỷ lục, các thị trường này vẫn đang cao ở mức cực đoan. Khi lãi suất cao, nó có thể gây ra một vụ phá sản tồi tệ.

Trích đánh giá của IMF, trang Business Insider có bài viết: "1 đồng USD tăng giá có thể sẽ khiến gia tăng áp lực lên việc nhập khẩu của Mỹ, đầu tư toàn cầu, trong khi lại làm gánh nặng nợ công của nhiều nước đang phát triển phình to. Đồng USD ngày càng tăng giá do FED tăng lãi suất nhanh hơn các ngân hàng khác, khiến các nhà đầu tư rút vốn mang đồng bạc xanh về lại Mỹ để hưởng lợi. Cùng lúc, các quốc gia đang vay nợ bằng đồng USD sẽ bị bất lợi vì gói nợ ngày càng lớn so với giá trị nội tệ có thể trả".

Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng, 1 đồng USD mạnh lên sẽ có lợi cho các quốc gia có giao thương, xuất khẩu nhiều sang Mỹ. Khi đó giá hàng hóa xuất khẩu sẽ rẻ đi và người tiêu dùng Mỹ cũng được hưởng lợi, chỉ có điều tránh để cán cân thương mại của Mỹ thâm hụt quá lớn.

'Kinh tế Mỹ cần phép màu để tránh suy thoái' "Kinh tế Mỹ cần phép màu để tránh suy thoái"

VTV.vn - Nhà kinh tế học Stephen Roach, cảnh báo nước Mỹ cần một "phép màu" để tránh suy thoái.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước