Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Nhật Bản trong quý II tăng 0,8% so với âm 0,6% của quý trước - đánh dấu mức tăng đầu tiên trong hai quý. Lần đầu tiên, GDP Nhật Bản vượt qua mức 600.000 tỷ Yen (4.000 tỷ USD). Nguyên nhân được cho là nhờ sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng.
Sự cải thiện trong tiêu dùng tư nhân và chi tiêu vốn đã góp phần thúc đẩy GDP Nhật Bản tăng vượt dự báo.
Ông Sakai Saisuke - Chuyên gia kinh tế trưởng, công ty nghiên cứu và công nghệ Mizuho cho biết: "Kết quả này là "rất tích cực". Việc giảm bớt các tác động của vụ bê bối ô tô đã góp phần thúc đẩy nhu cầu trong nước. Doanh thu của doanh nghiệp ổn định hơn nên các công ty cũng bắt đầu quan tâm đến việc chi tiêu vốn, đầu tư nhiều vào sản xuất".
Tuy nhiên, một số chuyên gia dự báo vẫn còn đó thách thức.
Ông Louis Kuijs - Chuyên gia kinh tế khu vực APAC, S&P Global Ratings chia sẻ: "Tiêu dùng cá nhân chiếm hơn một nửa GDP của Nhật Bản vẫn là điểm yếu của nền kinh tế khi các hộ gia đình phải vật lộn với chi phí sinh hoạt tăng cao. Mặc dù thu nhập có tăng, nhưng mức lương tăng không đủ nhanh, khiến mọi người không thực sự quá lạc quan về tương lai. Số liệu GDP chỉ là sự bật tăng của thị trường sau khi sụt giảm trước đó. Chúng ta phải nhận thức được rằng kinh tế Nhật Bản chưa chắc đã ổn định như thể hiện qua con số".
Một số phân tích còn cho rằng, sự phục hồi kinh tế vững chắc sẽ giúp Ngân hàng trung ương BOJ đạt được mức lạm phát mục tiêu 2% một cách bền vững.
Ông Louis Kuijs - Chuyên gia kinh tế khu vực APAC, S&P Global Ratings nhận định: "Không giống như các nước khác, Nhật Bản đang cố gắng để tăng mức lạm phát lên khoảng 2% và số liệu kinh tế mới nhất cho chúng ta sự lạc quan nhất định. Và khi lạm phát ở mức ổn hơn, điều đó sẽ tạo ra không gian cho BOJ tăng lãi suất từ từ. Giới chức của nước này cũng sẽ cần điều chỉnh một cách thận trọng, đặc biệt sau khi thị trường tài chính phản ứng rất mạnh mẽ và có phần hỗn loạn trong tháng trước".
Những số liệu tích cực từ tăng trưởng GDP quý II cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đang trên đà hồi phục, nhưng vẫn còn những thách thức trước mắt. Chính sách tiền tệ của BOJ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc định hình triển vọng kinh tế của quốc gia này, đặc biệt khi đồng Yen tiếp tục biến động trên thị trường quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!