Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và thương mại, dịch vụ tháng 1 sẽ tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng tiếp theo. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Ngay từ tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đã đạt mức tăng cao; trong đó xuất khẩu tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu tăng 41%, xuất siêu 1,3 tỷ USD.
Trong tháng 1 có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, chiếm 67,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ở chiều nhập khẩu, ước tính tháng 1 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 26,4 tỷ USD, giảm 5,4% so với tháng trước và tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 1 có 4 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD, chiếm 50,6% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, tháng 1/2021 xuất siêu 1,3 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,1 tỷ USD.
Nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Trong tháng 1, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 7,5 tỷ USD, tăng 57,4% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 5,8 tỷ USD, tăng 111,6%; thị trường EU đạt 2,8 tỷ USD, tăng 14,8%; thị trường ASEAN đạt 2,3 tỷ USD, tăng 31,9%; Nhật Bản đạt 1,9 tỷ USD, tăng 22,7%; Hàn Quốc đạt 1,7 tỷ USD, tăng 24,2%.
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 9,6 tỷ USD, tăng 72,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 5,1 tỷ USD, tăng 29,3%; thị trường ASEAN đạt 3,4 tỷ USD, tăng 63,3%; Nhật Bản đạt 2 tỷ USD, tăng 52,9%; thị trường EU đạt 1,3 tỷ USD, tăng 23,3%; Hoa Kỳ đạt 1 tỷ USD, tăng 4,2%.
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và thương mại, dịch vụ tháng 1 sẽ tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng tiếp theo, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp khá lạc quan khi có tới 81% số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2021 sẽ ổn định và tốt hơn quý IV/2020.
Đặc biệt, sản xuất công nghiệp tăng cao 22,2% so với cùng kỳ năm trước, bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tiêu dùng sôi động (tăng 6,4%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 27,2%, đóng góp 21,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 16,3%, đóng góp 1,5 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%, làm giảm 1 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tiêu dùng sôi động (tăng 6,4%), nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!