Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 xuống mức 3,5%, giảm so với dự báo 3,7% được đưa ra trước đó.
Xu hướng bảo hộ mậu dịch, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, các đòn trả đũa thuế quan đã gây tổn hại trong năm 2018 và được dự báo sẽ tiếp tục phủ bóng kinh tế toàn cầu trong năm nay. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động cuộc chiến thuế quan với hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, EU vẫn chưa cho thấy có dấu hiệu lắng dịu trong năm 2019. Thỏa thuận đình chiến thương mại 90 ngày giữa Mỹ và Trung Quốc đạt được không lâu thì hai nước lại vướng vào những căng thẳng mới xung quanh vụ bắt giữ lãnh đạo Huawei Mạnh Vãn Chu.
Cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới làm dấy lên nỗi lo sợ về chủ nghĩa chống toàn cầu hóa và việc nền kinh tế thế giới bị phân mảnh thành các thị trường riêng rẽ với mức độ bảo hộ cao.
Số lượng các biện pháp bảo hộ thương mại trên toàn cầu hiện nay đã tăng gấp 2,5 lần so với năm 2010. Tuy nhiên, vẫn có một số tín hiệu tích cực về đẩy mạnh toàn cầu hóa trong bức tranh chung. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực trong những ngày cuối năm 2018. Theo lộ trình, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ hoàn tất đàm phán trong năm nay. Nước Mỹ vẫn duy trì chính sách "Nước Mỹ trước tiên" nhưng đã tìm cách đạt được một thỏa thuận thương mại tự do mới được coi là NAFTA 2.0 với Mexico và Canada.
Những tín hiệu này cho thấy vẫn sẽ có không gian cho hợp tác thương mại tự do trong xu thế bảo hộ đang gia tăng hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!