Kinh tế trưởng SSI: Khi đầu tư thì không nên “yêu”, hãy khó tính!

Thuỳ An-Thứ tư, ngày 29/06/2022 17:30 GMT+7

VTV.vn - Lời khuyên từ kinh tế trưởng SSI Phạm Lưu Hưng để tránh hiện tượng “gồng lỗ” trong vô vọng là không nên “yêu” cổ phiếu nào, thay vào đó hãy khó tính để phân định rõ ràng.

Khi nào nên cắt lỗ?

Trong giai đoạn giảm điểm của thị trường chứng khoán, việc cắt lỗ là vô cùng quan trọng để bảo vệ tài sản của nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều người lại quan niệm "chưa bán là chưa lỗ", tiếp tục ôm cổ mà không chịu bán với hy vọng thị trường đảo chiều. Hệ quả là, các khoản thua lỗ ngày càng lớn dần và nhà đầu tư chỉ chịu cắt lỗ khi khoản lỗ vượt quá sức tưởng tượng.

Trong chương trình “Bí mật đồng tiền" số 27 với chủ đề “Đại hội "gồng lỗ”, trả lời câu hỏi khi nào nhà đầu tư nên từ bỏ việc “gồng lỗ”, Chuyên viên tư vấn chứng khoán tại CTCP Chứng khoán SSI Nguyễn Gia Khánh cho biết khi một cổ phiếu giảm thì cần xác định yếu tố tác động là gì?

“Nếu yếu tố tác động do ảnh hưởng chung của thị trường, chưa có gì thay đổi từ doanh nghiệp thì càng xuống vùng mua nghĩa là mỗi đà giảm khoảng 3 cây sàn nên bắt đầu chia vốn để bắt đầu gom dần vào. Trong quá trình giảm của một cổ phiếu luôn có những nhịp hồi, từ đó khéo léo đưa mức trung bình giá xuống. Nếu hướng vào những cổ phiếu căn bản và có triển vọng thì không cổ phiếu nào có thể giảm mãi được”, ông Nguyễn Gia Khánh cho biết.

Kinh tế trưởng SSI: Khi đầu tư thì không nên “yêu”, hãy khó tính! - Ảnh 1.

Kinh tế trưởng chứng khoán SSI Phạm Lưu Hưng cho rằng khi đầu tư thì không nên “yêu” bất cứ một cổ phiếu nào

Cùng quan điểm đánh là phải đánh giá lại khi cổ phiếu giảm điểm, kinh tế trưởng của SSI Phạm Lưu Hưng cho rằng khi thấy giá cổ phiếu giảm mà lại tiếp tục mua thêm thì điều này không nên làm.

“Chúng ta phải đánh giá lại giả định về cổ phiếu, triển vọng của công ty. Chúng ta không được mua tiếp cổ phiếu chỉ vì giá giảm, rồi mặc kệ tình hình, thị trường, công ty ra sao. Chúng ta thấy hôm trước mua giá cao, bây giờ có 3 cây sàn và mua tiếp thì việc trung bình giá là không nên”, ông Hưng khuyến nghị.

Ông Hưng nhấn mạnh trong đầu tư không nên “yêu” cổ phiếu nào, mà phải “khó tính” và phân định rõ ràng, giống như câu nói: “Dễ thương thì đáng yêu, nhưng dễ yêu thì đáng thương”.

Trong khi đó, Phó Giám đốc chi nhánh Nest by AIA Phó Giám đốc chi nhánh Nest by AIA Nguyễn Thanh Tùng cho rằng cảm giác thua lỗ là rất tệ nhưng điều quan trọng là cần đưa ra giải pháp đúng đắn.

“Cần phải xem xét mình đang thực sự phù hợp với phương pháp gì. Mỗi người có một cá tính thì cách đầu tư cũng vậy. Mức kỳ vọng lợi nhuận ở ngưỡng 15 - 30%/năm là mức an toàn. Nếu không đạt mình có thể đổi lại phương pháp, cứ mỗi lần giải ngân thắng lợi thì đó là một phương pháp tốt”, ông Tùng cho biết.

Điều quan trọng thứ 2 khi thị trường đi xuống, ông Tùng nhấn mạnh là phải tái cơ cấu lại danh mục đầu tư. Đây là điều không ai muốn làm nhưng là bắt buộc.

“Lỗ rồi thì phải tái cơ cấu, thứ nhất cổ phiếu penny cần phải bán hết bằng mọi giá. Với midcap và bluechip thì sẽ phải đánh giá lại doanh nghiệp, đây có phải là một cổ phiếu tiềm năng và sẽ cầm trong dài hạn hay không? Với những cổ phiếu mang tinh chất chu kỳ cao như thép, chứng khoán, bất động sản phải thật sự nghiêm túc và khắt khe, phải “khó tính” để đãi cát tìm vàng”, ông Tùng đề xuất

Cuối cùng ông Tùng cho rằng cần phải xây lại tháp tài sản, bởi khi đã lỗ nhưng trong danh mục vẫn sẽ có những cổ phiếu tốt, thì hoàn toàn có thể tích lũy cổ phiếu dài hạn để phục vụ cho tương lai.

"Gồng lỗ giỏi nhưng gồng lãi thì rất kém?"

Trong chiều ngược lại, giải thích cho hiện tượng nhiều nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư F0 thường “gồng lỗ giỏi nhưng gồng lãi thì rất kém”, theo chuyên viên tư vấn chứng khoán tại CTCP Chứng khoán SSI Nguyễn Gia Khánh cho biết điều này xuất phát từ tâm lý muốn lấy tiền về nhanh nhất có thể.

“Nhà đầu tư mới tham gia thị trường luôn nghĩ vừa mua ngày hôm nay T+3 hàng về đã có lãi. Cảm giác đầu tư chứng khoán ở thời điểm năm ngoái là rất dễ, có thể “nhắm mắt mua bừa” một cổ phiếu T+3 đã có lãi nhưng không thể đi được hết quãng đường của một cổ phiếu trên một đà tăng”, ông Khanh cho biết.

Điều này dẫn đến tình trạng khi một cổ phiếu tăng không biết đâu là đỉnh, khi một cổ phiếu giảm không biết đâu là đáy.

Kinh tế trưởng SSI: Khi đầu tư thì không nên “yêu”, hãy khó tính! - Ảnh 2.

Nhiều nhà đầu tư đang rời vào tình trạng chốt lãi rất nhanh nhưng cắt lỗ thì rất chậm

Nói thêm về hiện tượng “gồng lỗ giỏi nhưng gồng lãi thì rất kém”, kinh tế trưởng của SSI Phạm Lưu Hưng cho biết đây là “hiệu ứng ngược vị thế”.

“Chúng ta chốt lãi rất nhanh nhưng cắt lỗ thì rất chậm vì cảm giác sợ lỗ. Không phải F0 mà tất cả các nhà đầu tư trên thế giới cũng vướng vào tình trạng này. Giống như việc chúng ta dễ dàng từ bỏ những cái không nên từ bỏ và cố gắng níu giữ những thứ không nên níu giữ”, ông Hưng nhấn mạnh.

Theo ông Hưng, việc xử lý tình trạng này rất khó bởi cần phải có tư duy rộng hơn. Trong đó không nên nhìn vào một cổ phiếu nào đấy đang thua lỗ mà cứ đau đáu với nó và cố gắng gồng lỗ. Trong khi nhà đầu tư có thể nhìn ra cả một danh mục.

“Gồng lỗ sẽ khiến nhà đầu tư chịu một chi phí cơ hội bởi nếu bán cổ phiếu đấy đi sẽ có cơ hội mua một cổ phiếu khác có cơ hội tốt hơn. Không nên nhìn hẹp một góc độ lỗ nào đó để rồi bị tắc tại đấy”, ông Hưng khuyến nghị.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước