Bã cà phê thay vì bỏ đi, có thể được tái chế thành ống hút, nắp cốc cà phê mang đi. Đây là ý tưởng khởi nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn của Ju Tian, một công ty tại Đài Loan, Trung Quốc. Nguồn nguyên liệu là bã cà phê với chi phí thu mua rẻ nhưng lại tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao với số lượng lớn.
Ý tưởng kinh doanh này đã giúp công ty Ju Tian đạt giải thưởng Taiwan Excellence - giải thưởng thường niên tôn vinh các doanh nghiệp có những bước tiến xuất sắc trong nghiên cứu và phát triển, tiếp thị, thiết kế, chất lượng và sản xuất.
"Với công nghệ của chúng tôi, 1 cốc bã cà phê có thể làm ra được 20 ống hút hoặc 2 nắp cốc, giúp tiết kiệm được 200 triệu ống hút và nắp nhựa tại thị trường nội địa từ năm 2018. Hiện chúng tôi còn chuyển giao công nghệ cho hơn 30 quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Việt Nam, Ấn Độ, với kỳ vọng cùng bảo vệ môi trường", ông Huang Chien-Chung, Giám đốc điều hành Ju Tian, cho biết.
Với 1 cốc bã cà phê, công ty Ju Tian có thể làm ra được 20 ống hút hoặc 2 nắp cốc.
Một báo cáo cho thấy, nếu chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn thì tới năm 2030, Liên minh châu Âu có thể tiết kiệm được 2.000 tỷ USD, còn nền kinh tế toàn cầu được hưởng lợi nhờ hàng triệu việc làm mới. Tuy vậy, còn nhiều thách thức để khuyến khích đầu tư và phát triển mô hình này.
Đại dịch COVID-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu càng cho thấy sự cấp thiết của phát triển bền vững.
Vì vậy, nhiều chuyên gia nhận định, mô hình kinh tế tuần hoàn có vai trò quan trọng trong phục hồi sau dịch, bởi nó cung cấp nền tảng có tính sẵn sàng và cạnh tranh cao cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, nền kinh tế tuần hoàn còn tạo nên sự thay đổi về nhận thức của từng cá nhân khi chất lượng sống được cải thiện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!