Mục tiêu của dự án sử dụng rác thải nhựa không thể tái chế làm nguyên liệu đầu vào như nhiên liệu cho các nhà máy sản xuất. Thực tế, mô hình này đã mang lại kết quả tại Trung Quốc tuy nhiên, để hiệu quả thì cần xây dựng được mối quan hệ công - tư trong kinh tế tuần hoàn.
Năm 2005, Trung Quốc chỉ có một nhà máy xi măng duy nhất ứng dụng phương pháp dùng rác nhựa làm nguyên liệu, nhưng sau 13 năm, hiện đã có hàng trăm nhà máy. Thành công đến từ sự hợp tác công- tư, nâng cao năng lực của hai bên. Phía Na Uy hỗ trợ các nhà máy nâng cao khả năng áp dụng công nghệ mới. Đối với khu vực nhà nước cũng được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu khảo sát chính sách.
Tiến sĩ Kåre Helge Karstensen, Giám đốc Chương trình OPTOCE - Na Uy cho rằng: "Khu vực công và khu vực tư phải cùng giải quyết thách thức. Đặc điểm của khu vực tư nhân là có độ mở rất lớn. Còn ở góc độ của chính phủ, cần lưu ý là các doanh nghiệp sẽ tự đầu tư cơ sở vật chất ban đầu. Do đó, chính phủ không cần phải đầu tư mà chỉ cần xây dựng quy chế cho các nhà máy vận hành và nguồn rác thải cho họ. Mọi thứ còn lại sẽ do khu vực kinh tế tư nhân tự làm.
Cũng theo tiến sĩ Kare, thậm chí khu vực tư nhân cũng có cơ chế hợp tác hiệu quả. Chẳng hạn như INSEE và Nike. INSEE là nhà máy xi măng duy nhất ở Việt Nam sử dụng rác thải nhựa từ khu công nghiệp làm nguyên liệu. Các công ty như Nike có trách nhiệm xử lý chất thải của mình và họ sẵn sàng trả tiền để INSEE giúp họ. Do vậy, việc làm rõ lợi ích của các bên và tạo cơ chế thúc đẩy chắc chắn sẽ có hiệu quả.
Trong ngày 4/10, tại TP.HCM, Na Uy cũng sẽ chính thức công bố dự án "Biến nhựa đại dương thành cơ hội trong nền kinh tế tuần hoàn". Hai nhà máy thử nghiệm đầu tiên là Nhà máy giấy Lee & Man ở Hậu Giang và nhà máy xi măng INSEE ở Hòn Chông, tỉnh Kiên Giang. Nếu thành công, những nhà máy xi măng tại Việt Nam có thể thay thế hơn 70% lượng than tiêu thụ bằng các loại rác, trong đó có rác nhựa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!