Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm: Vững vàng với “mục tiêu kép”

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 04/07/2021 20:19 GMT+7

VTV.vn - Dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng với sự vào cuộc và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, mức tăng trưởng GDP nửa đầu năm của Việt Nam vẫn đạt mức tích cực 5,64%.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong khu vực và thế giới

Nhìn lại bức tranh tăng trưởng quý I đầu năm nay ở khu vực Đông Nam Á, trong khi đa phần tốc độ tăng trưởng GDP các quốc gia đều ở mức tăng trưởng âm như: Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia…, Việt Nam đạt được mức tăng trưởng dương 4,48%.

6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP tiếp tục ghi dấu ấn với mức tăng 5,64% dù trong bối cảnh đợt dịch lần thứ 4 chưa chấm dứt.

Với đà tăng trưởng này, Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam và Malaysia là động lực tăng trưởng của khu vực khi dự báo đạt mức tăng trưởng của Việt Nam là 6,6%, Malaysia là 6% cho cả năm nay.

Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm: Vững vàng với “mục tiêu kép” - Ảnh 1.

6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP tiếp tục ghi dấu ấn với mức tăng 5,64%. (Ảnh minh họa: VN Media)

Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trên thế giới trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín, bao gồm: S&P, Moody's và Fitch Ratings nâng mức từ triển vọng lên tích cực.

Linh hoạt điều hành chống dịch và phát triển kinh tế

Đạt được kết quả tích cực này là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cùng sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước.

Đặc biệt trong công tác điều hành mục tiêu kép, ở từng thời điểm khác nhau, địa phương khác nhau, căn cứ tình hình thực tế đã có những bài giải khác nhau. Ví dụ tại 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang - 2 địa phương là điểm nóng của dịch bệnh trong suốt 2 tháng qua, đợt dịch thứ 4 có mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng, tấn công vào những khu công nghiệp lớn, đông công nhân. Trong bối cảnh đó, chính quyền và người dân 2 địa phương này đã có những cách làm chủ động và linh hoạt, vừa chống dịch vừa duy trì hoạt động kinh tế.

Tỉnh Bắc Giang - tâm điểm của đợt dịch bùng phát lần thứ 4, vải thiều đã thắng sớm. Dịch bệnh bùng phát đúng vào vụ thu hoạch vải, cây chủ lực của tỉnh này. Thế nhưng đến nay, 58.000 tấn vải chín sớm đã tiêu thụ gần hết.

Tỉnh đã chủ động lên 3 kịch bản tiêu thụ vải. Khi dịch bệnh bùng phát kéo dài, kịch bản thứ 2 (tiêu thụ trong nước là chủ yếu) đã được kích hoạt, đặc biệt qua kênh thương mại điện tử.

Linh hoạt là phương câm hành động được phát huy rất rõ ở Bắc Ninh. Dịch bệnh dần được kiểm soát trong các khu công nghiệp. Để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, tỉnh Bắc Ninh đã đưa ra những quyết định linh hoạt, sáng tạo. Tỉnh này bố trí 50% người lao động có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 làm việc giãn cách và lưu trú tập trung.

Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm: Vững vàng với “mục tiêu kép” - Ảnh 2.

Tỉnh Bắc Giang - tâm điểm của đợt dịch bùng phát lần thứ 4, vải thiều đã thắng sớm. (Ảnh: NLĐ)

"Có nơi, có lúc phải ưu tiên chống dịch, có nơi, có lúc phải ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội và có nơi, có lúc phải cân bằng cả hai mục tiêu, nhiệm vụ này. Đó là lựa chọn đúng đắn. Thực hiện mục tiêu kép một cách linh hoạt va duy trì trong một thời gian dài đã cho thấy kết quả rõ ràng ngay tại những địa phương bùng dịch mạnh nhất.

"Rõ ràng những kết quả chống dịch của Việt Nam đang tạo dựng niềm tin rất lớn cho doanh nghiệp châu Âu. Nhờ những chính sách linh hoạt, không cực đoan, hoạt động sản xuất, các khu công nghiệp được duy trì, hạn chế người lao động bị mất việc, chuỗi cung ứng được đảm bảo", Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Torben Minko nhận định.

Theo Tổng cục Thống kê, công nghiệp chế biến chế tạo là đầu tàu của công nghiệp vẫn tăng trưởng ở mức 10%, trong khi trung tâm công nghiệp là Bắc Ninh, Bắc Giang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch. Kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng mạnh ở mức gần 30%.

Duy trì "sức khỏe" của doanh nghiệp

Để cộng đồng doanh nghiệp vừa chống dịch vừa sản xuất đạt hiệu quả như vậy có vai trò rất quan trọng của sự điều hành kịp thời, nhất là Nghị quyết 63 và gần đây nhất là Nghị quyết 68.

Người đứng đầu chính phủ đã nhấn mạnh: "Càng khó khăn càng phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để phát huy tính tích cực, chủ động, linh hoạt, tự chịu trách nhiệm của các cấp, các ngành".

Trong bối cảnh dịch bệnh gây gián đoạn, đứt gãy cục bộ chuỗi sản xuất, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh, nhiều chính sách kịp thời và cần thiết là nguồn động viên rất lớn, được xem như cú hích cả về vật chất lẫn tinh thần, giúp phục hồi "sức khỏe" doanh nghiệp.

Không chỉ chủ động với chiến lược chống dịch, việc nhận được sự hỗ trợ thiết thực qua các chính sách có tác động trực tiếp ngay với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua những đứt gãy về thị trường, tài chính.

Không chỉ vậy, việc cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh Chính phủ điện tử, đơn giản hóa các thủ tục hành chính đã được quan tâm trong thời gian qua là nền tảng để tăng trưởng khi dịch bệnh đi qua.

Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm: Vững vàng với “mục tiêu kép” - Ảnh 3.

Kết quả kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm nay cho thấy Việt Nam đã và đang thực hiện hiệu quả mục tiêu kép. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

"Nguồn lực Nhà nước không có nhiều, hiện nay đang dùng cho giãn, hoãn các loại thuế để doanh nghiệp có nguồn tiền duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặt khác, Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính", Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Lương Minh Huân cho hay.

Khó khăn vẫn còn rất nhiều nhưng điểm sáng đáng chú ý là trong 6 tháng qua, số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 93.200 doanh nghiệp, tăng 6,9%; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt trên 14 tỷ đồng, tăng trên 24%. Điều này cho thấy dù khó khăn nhưng các doanh nghiệp, các chủ đầu tư đang đánh giá cao môi trường sản xuất kinh doanh, cũng như sự đồng hành của cả hệ thống chính trị thực hiện quyết tâm duy trì sản xuất trong khi tiếp tục phòng chống dịch bệnh.

Kết quả kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm nay cho thấy Việt Nam đã và đang thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, bám sát tình hình thực tế từng địa phương, từng lúc từng nơi mà linh hoạt trong điều hành từ trung ương tới địa phương.

Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều nơi, vì vậy không được chủ quan. Trước mắt khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội. Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh tinh thần: "Đã nỗ lực rồi phải nỗ lực lớn hơn, đã quyết tâm rồi phải quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt, mạnh mẽ, đúng hướng, hiệu quả hơn".

Đó cũng là tinh thần của cả hệ thống chính trị nhằm kiên trì thực hiện mục tiêu kép dù đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, nhưng rõ ràng phải chống dịch tốt mới có thể phát triển kinh tế - xã hội và phải phát triển được kinh tế thì mới có nguồn lực để chống dịch thành công.

Kiên trì thực hiện mục tiêu kép, quyết liệt triển khai chiến lược vaccine Kiên trì thực hiện mục tiêu kép, quyết liệt triển khai chiến lược vaccine

VTV.vn - Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc kiên định thực hiện mục tiêu kép, đồng thời thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước