Kinh tế Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế đang lên

Chí Sơn-Thứ sáu, ngày 11/10/2013 15:25 GMT+7

 Cùng với 188 quốc gia thành viên đang tham dự Hội nghị thường niên do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đồng tổ chức tại Hoa Kỳ, Việt Nam đã vinh dự được chọn là quốc gia tiêu biểu đại diện cho nhóm các nước có nền kinh tế đang lên.

Cũng tại Hội nghị mang tính toàn cầu này, đoàn đại biểu Việt Nam đã có buổi đối thoại thẳng thắn với các nhà đầu tư đại diện cho các định chế tài chính lớn và các học giả nổi tiếng trên thế giới về những nỗ lực của mình cũng như những nguy cơ thách thức mà kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt.

Hội nghị thường niên của IMF và WB lần này được tổ chức trong bối cảnh nước Mỹ đang phải loay hoay, vật lộn đối phó với vấn đề nợ công. Các nền kinh tế lớn khác cũng bị đánh giá là ỳ ạch. Bởi vậy, buổi đối thoại dành cho những nền kinh tế đang lên, mà Việt Nam được chọn là quốc gia tiêu biểu đã thu hút sự quan tâm chú ý của rất nhiều đại biểu đến từ các tổ chức tài chính lớn trên thế giới và các học giả kinh tế uy tín.

Hội trường đã không còn một chỗ trống. Đây không phải là sự ngẫu nhiên. Trong con mắt của các nhà kinh tế, nguồn lợi tức tiềm năng mà họ có thể kiếm được từ những nền kinh tế đang lên là động lực chính khiến họ tới đây. Nhưng những thách thức từ các nền kinh tế đang lên cũng được các diễn giả thẳng thắn cảnh báo.

‘ Đoàn đại biểu Việt Nam tham gia hội nghị. Ảnh: VTV News

Ông Min Zhu, Phó Tổng giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF nói: Việc thành lập nhóm các nước có nền kinh tế đang lên là một tin tức tốt đối với cả thế giới. Trong 20 năm qua, chính nhóm này đã có thể duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao mà vẫn có thể đảm bảo được sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Nhưng khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra thì nhóm các nước có nền kinh tế đang lên đã bị tổn thương. Các nước này đang phải đối mặt với những nguy cơ như tỷ lệ lạm phát, nợ nước ngoài, tỷ giá hay đầu tư, sản xuất chậm lại… Một cách thức hữu hiệu nhằm cân bằng lại và ổn định những yếu tố trên là điều cần thiết đối với các nền kinh tế đang lên. Vậy Việt Nam đã làm gì để ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời giải quyết các vấn đề đối với hệ thống tài chính - ngân hàng. Và điều được giới tài chính quốc tế đặc biệt quan tâm đến đó là tình hình xử lý nợ xấu của Việt Nam. Bởi hiện tại, cách mà Việt Nam đang xử lý nợ xấu không giống với bất cứ tiền lệ của quốc gia nào, vì không dùng đến tiền từ ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu.

Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN Việt Nam phát biểu: “Như tôi đã nói, việc hoạch định các chính sách xử lý nợ xấu trong thời gian qua ở Việt Nam là rất khó khăn. Bởi bản thân Việt Nam có những khó khăn trong nội tại, cộng với tình hình kinh tế thế giới không thuận lợi. Tuy vậy, chúng tôi vẫn phải xử lý nợ xấu. Chính phủ Việt Nam đã không chấp nhận việc xử lý nợ xấu bằng các khoản tiền từ ngân sách quốc gia. Bởi vậy, chúng tôi đã phải sử dụng nhiều biện pháp khác nhau. Gần đây, chúng tôi đã thành lập Công ty xử lý nợ xấu Quốc gia để có thể thúc đẩy tiến trình xử lý nợ xấu tốt hơn, xử lý nhanh nhất có thể. Nếu suôn sẻ thì sẽ có nhiều cơ hội hơn cho sự phát triển nhanh và bền vững cho nền kinh tế Việt Nam”.

Dù đã được cộng đồng quốc tế đánh giá là nền kinh tế đang lên tiêu biểu trên thế giới, nhưng nền kinh tế Việt Nam cũng được cho là dễ bị tổn thương và dễ bị tác động bởi những cú sốc từ kinh tế thế giới. Tuy nhiên, với những nỗ lực thực thi nhằm tái cơ cấu nền kinh tế trong suốt thời gian qua, mà kết quả ban đầu đã đạt được là ổn định được kinh tế vĩ mô, thì đây là cơ sở để tin rằng, kinh tế Việt Nam sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng trong thời gian tới và trở thành động lực tăng trưởng mới của kinh tế thế giới.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước