Kinh tế Việt Nam nỗ lực vượt khó

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 01/07/2023 14:31 GMT+7

VTV.vn - GDP quý II đạt 4,14% so với cùng kỳ đưa tăng trưởng kinh tế Việt Nam nửa đầu năm đạt 3,72%. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn.

Kinh tế đã có dấu hiệu chuyển biến

Việt Nam vừa bước qua tháng 6, bước qua nửa đầu của năm 2023 và cũng đã đi qua nửa đầu chặng đường của nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, một giai đoạn đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nặng nề hơn so với dự báo, cũng như so với cùng kỳ của một số nhiệm kỳ gần đây.

Trong bối cảnh khó khăn bủa vây, nhưng với sự nỗ lực bền bỉ, nền kinh tế của đất nước vẫn đạt mức tăng trưởng tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Trong đó, tính riêng 6 tháng đầu năm nay, tổng sản phẩm trong nước GDP tăng 3,72%. Dù mức tăng chưa đạt được như mong muốn, nhưng nền kinh tế của Việt Nam đã có những dấu hiệu cho thấy sự chuyển biến.

Tiêu dùng nội địa là điểm duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt trong suốt thời gian qua. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Cầu tăng là động lực cho nền kinh tế, thị trường nội địa là điểm tựa cho doanh nghiệp trong những lúc thị trường bên ngoài biến động.

Kinh tế Việt Nam nỗ lực vượt khó - Ảnh 1.

Trong bối cảnh khó khăn bủa vây, nhưng với sự nỗ lực bền bỉ, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng tích cực. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

"Tiêu dùng trong nước vẫn tiếp tục là trụ cột phát triển kinh tế, góp phần phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19. Người tiêu dùng cũng rất hào hứng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước", bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, đánh giá.

Nhiều chỉ số sau quãng thời gian dài giảm, đến những tháng cuối quý II đã ghi nhận mức tăng tuy không nhiều nhưng cũng cho thấy sự chuyển biến không nhỏ.

"Quý II, các chỉ tiêu công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều tích cực hơn so với quý I khi cả hệ thống chính trị vào cuộc tháo gỡ khó khăn từ nhỏ cho đến những vướng mắc lớn", bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết.

Khó khăn chung đã khiến kinh tế Việt Nam chưa như kỳ vọng, nhưng về căn bản sự ổn định kinh tế vĩ mô và nỗ lực gỡ khó cũng đã giữ được các nhà đầu tư có cái nhìn lạc quan vào kinh tế Việt Nam. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới đạt gần 6,5 tỷ USD, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm trước.

"Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, có nhiều tiềm lực kinh tế. Thị trường nội địa Việt Nam cũng tăng trưởng nhanh, đạt mức trung lưu. Sự hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp cũng khá mạnh mẽ", ông Kok Ping Soon, Giám đốc điều hành Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore, nhận định.

Không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, đã có hơn 7.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 6. Đây là mức cao nhất trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, tăng 215% so với cùng kỳ năm 2022, cho thấy tình hình doanh nghiệp cũng đã có những chuyển biến nhất định.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động và bất ổn, quý II vừa qua, tăng trưởng GDP của Việt Nam ước đạt 4,14%, đưa tăng trưởng của 6 tháng đầu năm đạt 3,72%.

Tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm đạt kết quả đáng khích lệ

Nhận định về mức tăng trưởng của nền kinh tế đã đạt được trong quý II cũng như của nửa đầu năm nay, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng Cục Thống kê, cho rằng: "Chỉ tiêu tăng trưởng GDP cho chúng ta thấy một cái bức tranh tăng trưởng của quý II cũng như 6 tháng đầu năm tăng trưởng không cao và không đạt được như kỳ vọng mà chúng ta mong muốn".

"Nếu năm 2022, chúng ta đạt một mức tăng trưởng ấn tượng 8,02%, cao nhất kể từ năm 2011, cao nhất trong vòng 12 năm qua. Sang đến quý I, chúng ta chỉ tăng trưởng ở mức là 3,32%, đến quý II, chúng ta tăng 4,14%. Mức tăng trưởng của quý II, tính trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2023, chỉ cao hơn cái quý II của năm 2020 - thời gian dịch COVIDd-19 và chịu ảnh hưởng nặng nề.

Tuy nhiên, Việt Nam có độ mở kinh tế lớn. hiện nay, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ so với GDP đã gần gấp đôi. Khi nền kinh tế có độ mở lớn như vậy thì chúng ta sẽ chịu ảnh hưởng rất là nhanh khi nền kinh tế của thế giới có biến động. Hiện nay kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại và các quốc gia đang lo ngại suy giảm kinh tế", bà Nguyễn Thu Oanh phân tích.

Chính vì vậy, trong bối cảnh đó, theo bà Oanh, tăng trưởng quý II năm nay của Việt Nam cao hơn so với quý I và bình quân 6 tháng năm nay, Việt Nam đạt mức tăng trưởng 3,72% là một kết quả đáng khích lệ, thể hiện được sự nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Thách thức tăng trưởng trong khó khăn

Trong khi nền kinh tế Việt Nam có quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế, nên chịu tác động mạnh bởi diễn biến tình hình thế giới, khi có nhiều khó khăn, thách thức hơn thời cơ, thuận lợi. Đứng trước khó khăn như vậy, nhiều nhiệm vụ, giải pháp để đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn đã được nỗ lực triển khai. Dù đã có những dấu hiệu chuyển biến, nhưng cũng phải nhìn nhận những dấu hiệu này chưa thực sự mạnh mẽ. Dự báo thời gian tới, những thách thức còn nhiều, bởi kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến số sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế trong nước.

Khách hàng, nhất là ở Mỹ, châu Âu thắt chặt chi tiêu. Những hàng hóa không thiết yếu, như đồ gỗ, bị hạn chế mua sắm. Do đó, Công ty TNHH Kẻ Gỗ đã chuyển đổi từ sản xuất gỗ ván ép, sang làm dao, thìa, dĩa gỗ. Tuy nhiên số đơn hàng cũng chưa được như kỳ vọng. Doanh nghiệp đang hy vọng đến cuối năm, khi các quy định cấm đồ nhựa dùng một lần chính thức có hiệu lực, đơn hàng sẽ nhiều hơn.

"Nếu không có sự chuẩn bị này, không có việc đổi mới trong sản phẩm, đổi mới trong thị trường, hoặc đưa ra các sản phẩm mới thì sự biến động của thị trường nó xảy ra, chúng ta không phản ứng kịp, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp", ông Trịnh Đức Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ, cho hay.

Sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp cũng là thách thức trước mắt. Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bằng các biện pháp tài chính, tài khóa đã được đưa ra, nhưng giảm được độ trễ trong thực hiện chính sách là thách thức không nhỏ để chính sách nhanh chóng phát huy được hiệu quả.

"Việc giảm thuế VAT 2% có thể giúp thúc đẩy tiêu dùng trong nước, nhưng vẫn cần nhiều biện pháp hơn nữa để duy trì tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất điều hành để giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng điều quan trọng trong những tháng tới là theo dõi tác động và áp lực có thể có đối với dòng vốn, tỷ giá hối đoái do khoảng cách ngày càng tăng giữa lãi suất ở Việt Nam và ở nước ngoài", ông Andrea Coppola, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nhận định.

Đồng thời, môi trường đầu tư, kinh doanh cần được cải thiện, giảm thiểu thủ tục hành chính nhằm tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng, kiến tạo thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước, tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.

Kinh tế Việt Nam nỗ lực vượt khó - Ảnh 2.

Giải ngân đầu tư công cần được đẩy nhanh. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

"Chúng tôi mong muốn tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ và dài hạn hơn về thể chế. Những quy định của pháp luật, thủ tục hành chính hiện đang trì hoãn, đang tạo ra chi phí lớn, giảm thiểu tính cạnh tranh", ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết.

Ngoài ra, giải ngân đầu tư công cần được đẩy nhanh, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công, tạo động lực tăng trưởng. Đây sẽ là những chìa khóa để trong thách thức tìm kiếm được cơ hội cho tăng trưởng những tháng còn lại trong năm nay.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,5% đòi hỏi tăng trưởng GDP trong 6 tháng cuối năm phải đạt con số 9%. Đây là thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, những khó khăn vừa qua cũng đã giúp chúng ta đúc rút được những bài học quý để vượt qua thử thách, trong đó phải giữ bản lĩnh vững vàng trong mọi tình huống; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả. Như nhấn mạnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính, quan điểm chỉ đạo, điều hành phải nhất quán theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.

Hoàn thành chỉ tiêu của 6 tháng còn lại không chỉ có ý nghĩa để hoàn thành mục tiêu cả năm, mà còn có ý nghĩa cho nửa nhiệm kỳ còn lại. Bởi chúng ta đã đi qua nửa chặng đường đầu, nhưng nửa chặng đã qua đầy rẫy chông gai, thử thách, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa để tăng tốc và về đích, đạt mục tiêu đề ra.

Việt Nam cần thận trọng với rủi ro bên ngoài Việt Nam cần thận trọng với rủi ro bên ngoài

VTV.vn - Theo IMF, kinh tế Việt Nam vẫn cho thấy sự tăng trưởng, nhưng đang chậm lại. Các tác động bên ngoài sẽ tác động mạnh đến phục hồi vào nửa cuối năm nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước