Cùng với dòng tin tức chủ đạo về tình hình dịch bệnh COVID-19, công tác phòng chống dịch, tiêm ngừa vaccine tại các địa phương, vấn đề kinh tế cũng được báo chí trong tuần quan tâm, trong đó đã có những tin hiệu lạc quan.
Nhập siêu để tăng trưởng
Theo tờ Thời báo Ngân hàng, trong bối cảnh dịch bùng phát trở lại nhưng hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, trong đó có gỗ và sản phẩm gỗ là ngành hàng chủ lực. Cụ thể, tính đến hết tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đạt hơn 6,42 tỷ USD, tăng mạnh hơn 42%.
Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Hải quan, kể từ đầu năm đến giữa tháng 6, Việt Nam đang nhập siêu ở mức khá cao, trong khi cùng kỳ này các năm trước đều xuất siêu với mức lớn. Thông thường chúng ta sẽ quan ngại khi nền kinh tế nhập siêu, nhưng tờ Sài Gòn Giải Phóng nhận định, trong bối cảnh hiện nay, đây lại là sự lạc quan.
Sau thời gian dài thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nhiều mặt hàng nguyên liệu nhập khẩu bị đóng băng do tác động của đại dịch COVID-19, giá trị nhập khẩu hàng hóa và nhập siêu ở mức cao lại cho thấy dấu hiệu các doanh nghiệp đang tái đầu tư mạnh mẽ sau mỗi làn sóng dịch bệnh, nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất là rất lớn, công nghiệp trong nước đang dần hồi sức.
“Đại bàng” vẫn đổ tiền vào khu công nghiệp bất chấp dịch
"“Đại bàng” vẫn đổ tiền vào khu công nghiệp bất chấp dịch" - tít bài nổi bật trên tờ Pháp luật TP Hồ Chí Minh số ra hôm đầu tuần cũng rất thu hút bạn đọc. Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định thị trường bất động sản công nghiệp đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ về nguồn cầu tại nhiều tỉnh, thành.
Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp Việt Nam đạt bình quân trên 70%, giá thuê nhà xưởng bình quân trên cả nước cũng tăng. Một chuyên gia bất động sản nhận định, khi chương trình tiêm vaccine được triển khai mạnh mẽ tại nhiều tỉnh, thành sẽ góp phần kiểm soát cơ bản dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi, thời gian tới bất động sản công nghiệp sẽ phát triển.
Việt Nam vẫn là một điểm đến thương mại và đầu tư
Việt Nam vẫn là một điểm đến thương mại và đầu tư hấp dẫn. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho rằng bất chấp cú sốc ngắn hạn của COVID-19, Việt Nam vẫn là một điểm đến thương mại và đầu tư hấp dẫn. Việt Nam đã kiểm soát tốt cả 3 đợt bùng phát dịch COVID-19 trước đây. Vì vậy, có một sự tin tưởng rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục thành công trong kiểm soát, xử lý đợt bùng phát lần thứ 4 này mà không gây ra thiệt hại lớn hay tác động tiêu cực về lâu dài cho tăng trưởng kinh tế
Không còn nghi ngờ gì, Việt Nam đã dẫn đầu thế giới trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Tuy nhiên thách thức hiện đã chuyển từ ngăn chặn nghiêm ngặt sang việc tiêm chủng rộng rãi. Điều này đòi hỏi một bộ chính sách khác với những chính sách đã giúp kiểm soát 3 làn sóng đầu tiên.
Chính phủ đã nhận ra thách thức này và công bố một mục tiêu đầy tham vọng, nhưng chúng tôi tin là có thể đạt được, đó là tiêm chủng cho khoảng 70 - 75% dân số ngay trong năm nay, nhận định của Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam Alain Cany trên tờ Thời báo Ngân hàng.
Cũng theo ông Alain Cany, ngoài việc thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng với quy mô và tốc độ nhanh chóng, Chính phủ cũng có thể triển khai một số bước quan trọng khác để đạt được các mục tiêu kinh tế của mình như tiếp tục tinh gọn, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Cải cách hành chính: Vẫn phải "bôi trơn", đi lại nhiều
Nhắc đến đơn giản hóa thủ tục hành chính, vào hôm thứ Năm (24/6) vừa qua, Chỉ số Cải cách hành chính năm 2020 đã được công bố. Năm qua, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách, giải pháp cấp bách để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư nên kết quả Cải cách hành chính đã có nhiều chuyển biến rõ nét.
Tuy nhiên, vẫn có đến 48 tỉnh, thành phố để xảy ra tình trạng người dân phải nộp tiền "bôi trơn" khi làm thủ tục hành chính. Tỷ lệ người dân, tổ chức cho biết phải "bôi trơn" trong năm 2020 trên cả nước là 0,59%. Bên cạnh đó, tình trạng người dân ở tất cả 63 tỉnh, thành phải đi lại nhiều để thực hiện dịch vụ công vẫn diễn ra, thông tin trên tờ Tiền phong.
Đúng và thực chất
Đăng ký thủ tục kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: NLĐ)
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp được Chính phủ đặc biệt quan tâm không chỉ trong năm 2020, mà trong suốt thời gian qua. Các kết quả đạt được người dân và cộng đồng doanh nghiệp rất ghi nhận. Tuy nhiên, tờ Thanh niên lại chỉ ra một nghịch lý là trong khi một số cơ quan quản lý công bố cắt, giảm, thay thế, điều chỉnh nhiều thủ tục hành chính, doanh nghiệp vẫn kêu khó, kêu vướng.
Ví dụ, trong khi Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định đã nỗ lực cắt giảm thủ tục kinh doanh để tạo thông thoáng cho doanh nghiệp, các hiệp hội, đơn vị lại bức xúc cho rằng Bộ đẻ thêm thủ tục và cắt giảm để báo cáo thành tích.
Đơn cử tháng 5 vừa qua, Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc thú y Việt Nam gửi công văn đến Cục Chăn nuôi, kiến nghị dừng yêu cầu thực hiện hợp quy đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi có hiệu lực vào 1/7 tới. Theo đơn vị này, thế giới không có hợp quy thức ăn chăn nuôi, còn công bố hợp quy an toàn thực phẩm, hiện Bộ Y tế cũng đã bãi bỏ.
Còn nhiều sự lệch pha giữa mong muốn của doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong việc tháo các nút thắt thủ tục, lại có khi "cùng pha" nhưng xảy ra tình trạng "trên rải thảm dưới rải đinh", nhưng dù vì bất cứ lý do gì, thủ tục hành chính rườm rà không chỉ gây lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức của doanh nghiệp, tạo khe hở cho những hành vi tham nhũng vặt, mà còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Vì vậy, việc cắt giảm thủ tục hành chính chỉ thực sự hiệu quả nếu được làm đúng, trúng và thực chất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!