Lại "nóng" nhu cầu kho lạnh

VTV Digital-Thứ tư, ngày 02/06/2021 06:00 GMT+7

VTV.vn - Hiện nay, các kho lạnh thương mại đều gần như đầy với công suất 90%. Nhu cầu kho lạnh một lần nữa "nóng" lên khi nông sản vào vụ.

Nông sản vào vụ - Căng thẳng nhu cầu kho lạnh

Thời điểm thu hoạch nhiều loại nông sản đang sắp đến, trong khi tình hình xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu bảo quản thực phẩm tươi sống cũng đang tăng mạnh do người dân chuyển sang mua chợ trực tuyến do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Đó là những nguyên nhân khiến tình trạng ùn ứ, quá tải hàng hoá tại các kho lạnh ngày càng trầm trọng hơn. Thống kê cùa Bộ NN &PTNT: cả nước hiện có 48 kho lạnh dùng bảo quản nông thủy sản, tổng công suất khoảng 2 triệu tấn sản phẩm - thấp hơn nhiều lần so với sản lượng thu hoạch.

Lại nóng nhu cầu kho lạnh - Ảnh 1.

Chi phí đầu tư kho lạnh cao gấp 3 lần so với kho thường, thời gian xây dựng cũng nhiều hơn. Kho bảo quản nông sản cũng có nhiều loại với yêu cầu khác nhau trong khi nông sản lại có tính thời vụ. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp không dám đầu tư.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định: "Đầu tư vào kho lạnh phải có nguồn cung - đầu vô đầu ra ổn định thì mới điều hòa. Còn lâu lâu doanh nghiệp mới làm thì đầu tư như vậy không hiệu quả. Máy móc để lâu cũng hỏng, vì vậy, chỉ doanh nghiệp nào có nguồn đầu ra ổn định mới đầu tư vào kho lạnh".

Còn bà Trang Bùi, Giám đốc Cao cấp JLLViệt Nam, cho biết: "Hiện nay, nhu cầu gần như quá cao so với nguồn cung. Đối với thị trường Việt Nam, việc thiếu hụt diễn ra quá nhanh chóng một phần vì chi phí xây dựng cao. Nhà đầu tư tham dự vào thị trường này cũng không sôi động".

Lại nóng nhu cầu kho lạnh - Ảnh 2.

Theo các đơn vị cung cấp kho lạnh thương mại, COVID-19 đã khiến tình hình căng thẳng từ năm ngoái, giá thuê tăng tới 25%. Năm nay, tình hình cũng không khả quan khi công suất các kho lạnh đều đã đạt đến hơn 90%. Trước tình hình này, một số doanh nghiệp tính đến việc thuê các container lạnh để trữ hàng. Nhưng có lẽ đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài sẽ vẫn phải cần nguồn cung mới.

Hiện đang có 3 dạng đầu tư vào hệ thống kho lạnh bảo quản nông sản:

+ Thứ 1: Các doanh nghiệp tự đầu tư kho lạnh phục vụ cho nhu cầu sản xuất. Chủ yếu ở nhóm các doanh nghiệp thủy sản hoặc nhóm doanh nghiệp nông sản có đầu ra ổn định.

+ Thứ 2: Các nhà đầu tư chuyên nghiệp, tập trung xây dựng kho lạnh để cho thuê. Nguồn cung này hiện chủ yếu tập trung tại các tỉnh phía Nam, trong đó- khoảng 60% thị phần được nắm giữ bởi các nhà đầu tư nước ngoài.

+ Thứ 3: Các hợp tác xã, nông dân có kho lạnh để phục vụ bảo quản nông sản, trái cây sau thu hoạch. Đây được đánh giá là giải pháp hiệu quả, nhưng lại gặp khó do năng lực tài chính và quản lý của các HTX còn hạn chế. Do vậy, ở góc độ nào đó, đây cũng là thị trường, là cơ hội cho các doanh nghiệp có thế mạnh.

Lại nóng nhu cầu kho lạnh - Ảnh 3.

Dư địa đầu tư kho lạnh còn rất lớn

Mới đây, một kho lạnh đã được xây dựng tại huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Thông qua việc kết nối các nguồn lực trong và ngoài nước để chủ động hoàn thiện chuỗi cung ứng rau quả, hệ thống kho lạnh tại đây được xây dựng nhằm hỗ trợ nông dân bảo quản nông sản, phục vụ cho các thị trường xuất khẩu như EU hay Trung Đông. Dự kiến, sẽ có thêm các kho lạnh nữa được xây dựng theo mô hình này.

Bà Dương Thị Bích Diệp, Chủ tịch Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi đứng ra đàm phán và vận động với 1 tập đoàn có sở hữu công nghệ về sản xuất kho lạnh, Quỹ khởi nghiệp xanh Việt Nam tổ chức sản xuất nội địa trang thiết bị kho lạnh, giảm tối đa chi phí tạo điều kiện cho nông dân nhanh chóng tham gia vào hệ thống logictics, đặc biệt là chuỗi lạnh để đảm bảo và tăng giá trị cạnh tranh cho nông sản".

Ngoài việc hỗ trợ cho các HTX, nông dân, nguồn cung kho lạnh thương mại sắp tới cũng sẽ được bổ sung. JLL Việt Nam nhận định, trước sự thiếu hụt nguồn cung và tiềm năng từ thị trường Việt Nam, loại hình này thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư địa ốc, các quỹ đầu tư mạo hiểm và cả các bên cho vay.

Lại nóng nhu cầu kho lạnh - Ảnh 4.

Nhu cầu sử dụng kho lạnh đến từ bốn lĩnh vực chính: thủy sản, thịt, rau quả và bán lẻ.

Bà Trang Bùi, Giám đốc Cao cấp JLLViệt Nam, cho biết thêm: "Hiện nay cũng có nhà đầu tư đang tìm hiểu phân khúc này rồi, hy vọng sắp tới cũng sẽ có nguồn cung mới để cung ứng ra thị trường. Để xây dựng hệ thống cơ sở kho lạnh, không chỉ kho lạnh không mà còn vận tải xe đông lạnh nữa. Xây kho sẽ mất ít nhất 18 tháng để xây dựng. Phải ít nhất 3 năm nữa mới giải quyết thực trạng khan hiếm nguồn cung".

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng với tính thời vụ của nông sản, việc đầu tư kho lạnh ra sao? Phù hợp với từng loại nông sản? Ở vùng nguyên liệu nào cũng phải tính đến tính hợp lý?

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, nhận định: "Về mặt lâu dài phải có khảo sát cụ thể về vấn đề khuynh hướng phát triển hoặc xuất khẩu của thị trường nông sản: họ cần sản phẩm như thế nào để định hướng vấn đề đầu tư vào kho lạnh".

Hiện nay, nhu cầu sử dụng kho lạnh đến từ bốn lĩnh vực chính: thủy sản, thịt, rau quả và bán lẻ. Theo công ty tư vấn Emergen, khối lượng xây dựng kho lạnh được dự đoán sẽ đạt giá trị khoảng 18,6 tỷ USD vào 6 năm tới với tốc độ hơn 13%/ năm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng tốc độ này vẫn còn khá thấp so với nhu cầu "nóng" về kho lạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước