"Lãi suất huy động tăng, lãi cho vay không thể thấp được"
Trao đổi với phóng viên về việc một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân điều chỉnh tăng lãi suất huy động VND thời gian qua, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho biết: Việc một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động VND gần đây đã được dự đoán trước. Bởi trước đây, một số ngân hàng hạ rất thấp lãi suất huy động, thậm chí xuống còn 2,8%-3%/năm, thấp hơn cả kỳ vọng lạm phát của nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát có xu hướng tăng, có thể thấy qua tháng 1,2,3 tăng tương đối lớn, điển hình như tháng 2 vừa qua tăng cao nhất trong 8 năm gần đây, thì lãi suất huy động cũng phải tăng theo để bảo đảm nguyên tắc lãi suất thực dương so với lạm phát của nền kinh tế.
"Khi nền kinh tế phục hồi trở lại, nhu cầu vay vốn tăng lên, ngân hàng nâng lãi suất huy động để thu hút nguồn vốn dồi dào cho doanh nghiệp vay sản xuất kinh doanh. Do đó, việc các ngân hàng tăng lãi suất cũng sẽ tạo nên một mặt bằng lãi suất huy động mới trong thời gian gần", ông Thịnh chia sẻ quan điểm.
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh: "Lãi suất huy động tăng, lãi cho vay không thể thấp được".
Trước câu hỏi "lãi suất huy động tăng, ảnh hưởng như thế nào đến mục tiêu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh", vị chuyên gia này cho biết: "Lãi suất huy động cao, lãi suất cho vay không thể thấp đi được. Tuy nhiên, mục tiêu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế sẽ đạt được nếu Ngân hàng Nhà nước tham gia điều hành thị trường, đảm bảo các ngân hàng thương mại được vay với chi phí hợp lý.
Theo tôi, bản thân các doanh nghiệp cũng phải nỗ lực cải tổ đổi mới cơ cấu tài chính, như giảm chi phí trong hoạt động kinh doanh, sản xuất, giảm sức ép về vốn, qua đó sẽ giảm vay. Còn các ngân hàng cũng cần đổi mới hoạt động để giảm thiểu chi phí, duy trì lợi nhuận của mình ở mức hợp lý, từ đó có thể giảm lãi suất cho vay".
Không nhất thiết phải giảm thêm lãi suất
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, việc một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động được đặt trong bối cảnh lãi suất trên thế giới đang có xu hướng tăng lên do ảnh hưởng của lạm phát. Năm ngoái lạm phát toàn cầu tăng khoảng 2%, còn như năm nay, theo dự báo mới nhất của Ngân hàng thế giới và Ngân hàng Citigroup sẽ ở mức 2,5%.
"Thời gian vừa qua lãi suất khá thấp, các gói hỗ trợ lớn được tung ra, dòng tiền rẻ dịch chuyển vào các kênh đầu tư như: bất động sản, chứng khoán, tiền kỹ thuật số dẫn đến rủi ro bong bóng tài sản hình thành trên toàn cầu.
Ở Việt Nam, tôi cũng dự đoán lạm phát cao hơn năm ngoái, khoảng 3,5 - 3,7%. Theo quan điểm của tôi, lãi suất tại khối ngân hàng Nhà nước không nhất thiết giảm thêm nữa đối với cả huy động và cho vay, bởi mức lãi suất hiện nay rất thấp rồi", TS. Cấn Văn Lực nói.
TS. Cấn Văn Lực: Cần khuyến cáo người dân đổ tiền vào chứng khoán, bất động sản theo tâm lý bày đàn gây rủi ro, nợ nần.
Theo lý giải của vị chuyên gia này, nếu lãi suất xuống thấp, người dân chuyển tiền sang kênh đầu tư khác, gây khó khăn về thanh khoản cho hệ thống ngân hàng trong lĩnh vực huy động vốn. Hơn nữa, dòng vốn không đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh nên khó kích thích tăng trưởng kinh tế lâu dài.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần đảm bảo được chênh lệch đầu vào đầu ra ở mức khả quan cho tổ chức tín dụng. Như mức chênh lệch hiện nay của ta là 2,5%, mức trung bình thấp so với khu vực là 3%. "Tuy nhiên theo kiến nghị của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phải duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, không tăng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân sản xuất kinh doanh", ông Lực cho hay.
Đối với người dân, theo ông Lực, mặt bằng lãi suất thấp sẽ có sự chuyển dịch dòng tiền từ tiền gửi ngân hàng sang chứng khoán, bất động sản. "Cái đó chúng ta phải chấp nhận vì đây là lựa chọn mỗi người dân, tuy nhiên chúng ta cần khuyến cáo người dân tránh hiện tượng đầu cơ bày đàn gây rủi ro, nợ nần", TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Trong bối cảnh kinh tế vẫn chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, đại diện HSBC cho rằng, nhiều ngành hàng sẽ phải mất 1 - 2 năm để phục hồi nên các kênh đầu tư khác như: chứng khoán, bất động sản, trái phiếu… cũng sẽ gặp rủi ro hơn.
Vì vậy, kênh tiết kiệm ngân hàng vẫn sẽ là kênh an toàn đối với người dân. Về lạm phát, điều này không đáng lo ngại vì lạm phát trung bình của Việt Nam trong năm 2021 dự kiến khoảng 3%. Do đó, việc duy trì tỷ lệ lạm phát dưới mức 4% sẽ tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước giữ vững quan điểm điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và phù hợp trong suốt năm 2021.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!