Lãi suất cho vay cũng đã được nhiều ngân hàng thương mại tuyên bố điều chỉnh giảm. Vấn đề đặt ra là xu hướng giảm lãi suất trong năm 2021 này liệu có tiếp tục và việc giảm lãi suất sẽ tác động như thế nào đến nhu cầu tín dụng, cũng như nó có thực sự hiệu quả?
3% là mức lãi suất cho vay mới nhất vừa được ngân hàng HDBank công bố. Đây là mức lãi suất cho vay thấp nhất hiện nay và cũng thấp nhất trong lịch sử. Hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 là những đối tượng ưu tiên được hưởng mức lãi suất thấp này.
Sau 5 lần giảm lãi suất trong năm 2020, ngay từ đầu năm nay, ngân hàng Vietcombank tiếp tục giảm 10% số tiền lãi phải trả trong năm cho nhóm bị ảnh hưởng nặng như hàng không, du lịch. Các lĩnh vực khác cũng được giảm đồng loạt 5%.
Mức lãi suất cho vay có thể nhích lên về cuối năm nhưng vẫn thấp hơn năm 2020. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
"Khách hàng không cần phải có bất kỳ một đề xuất hay xét duyệt nào. Việc giảm này được thực hiện một cách tự động, giảm lãi suất cho 105.000 khách hàng. Tổng dư nợ dự kiến sẽ được giảm lãi suất là 350.000 tỷ, tương ứng với khoảng 40% tổng dư nợ của Vietcombank", ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Vietcombank, cho biết.
Lãi suất ngân hàng giảm khiến dòng tiền đã có những xáo trộn nhất định, không như mọi năm. Bởi mỗi dịp ra Tết, đầu năm, dòng tiền thường quay trở lại ngân hàng, nhưng năm nay, quy luật này đã không còn tiếp tục.
Tuy việc dòng tiền quay trở lại ngân hàng ít hơn mới chỉ xảy ra, nhưng cũng là một hiện tượng đáng lưu ý bởi trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn phức tạp, việc khôi phục sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn, dòng tiền sẽ chảy đến những kênh đầu cơ khác và tạo ra những bong bóng tài sản là điều mà nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo.
Mặt bằng lãi suất giảm
Cho đến thời điểm này, lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng đều dưới 4%/năm. Kỳ hạn dài hơn từ 13 - 36 tháng cũng không quá 5,5%/năm, tức giảm khoảng 0,5%/năm so với trước Tết. Kỳ hạn này được áp dụng ở cả khối ngân hàng có vốn nhà nước chi phối và ngân hàng tư nhân.
Các chuyên gia cho rằng, sau mỗi lần giảm lãi suất huy động sẽ cần độ trễ chính sách để chờ đợi ngân hàng huy động được nguồn vốn giá rẻ trước khi cho vay. Mặt bằng lãi suất cho vay hiện giảm bình quân khoảng 1%/năm so cuối năm 2019; đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên hiện được vay với lãi suất ngắn hạn quanh mức 4,5%/năm.
Việc giảm lãi suất cho vay nhằm tạo nguồn vốn rẻ cho nền kinh tế và doanh nghiệp, qua đó kích thích sản xuất kinh doanh. Lý thuyết là như vậy nhưng việc dòng vốn dịch chuyển hoặc lách sang nhưng lĩnh vực khác không phải là sản xuất cũng được cảnh báo. Vì vậy trong lúc này, những biện pháp kiểm soát là ưu tiên hàng đầu để tránh dòng tiền sẽ chảy vào những kênh đầu cơ mang tính rủi ro cho cả người dân và nền kinh tế.
Điều hành lãi suất linh hoạt đảm bảo tăng trưởng bền vững
Lượng tiền gửi vào ngân hàng giảm nhưng vào chứng khoán tăng, bất động sản tăng cho thấy dòng tiền luôn tìm đến những kênh sinh lợi tốt nhất.
"Một doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2020 nhưng vì COVID-19 xảy ra, những kế hoạch đó bị lỡ bỏ. Số tiền đó họ có thể tranh thủ đầu tư vào thị trường tài sản, thị trường chứng khoán', PGS.TS Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế, cho hay.
Tuy nhiên, những cuộc khủng hoảng đã qua cho chúng ta kinh nghiệm và công cụ để quản lý chặt dòng tiền, tránh thiếu kiểm soát gây nên bóng bóng. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã lên kế hoạch theo dõi chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực có rủi ro cao và có những đối sách đảm bảo an toàn cho hệ thống.
Việc giảm lãi suất cho vay nhằm tạo nguồn vốn rẻ cho nền kinh tế và doanh nghiệp, qua đó kích thích sản xuất kinh doanh. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
"Chúng tôi tiếp tục chủ trương và hỗ trợ cho doanh nghiệp, đưa ra chính sách cơ cấu lại những khoản nợ, kéo dài thời gian để thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp so với quy định của năm 2020, một mặt vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp, một mặt vẫn đảm bảo an toàn tài chính, năng lực tài chính cho các tổ chức tín dụng trong ngắn hạn cũng như trong trung hạn", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định.
Dù chậm song nhu cầu vốn vào sản xuất cũng đã quay trở lại. Nhiều đơn vị ước tính chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong quý I năm nay cao hơn 2 - 3% đáng kể so với thực tế cùng kỳ năm 2020. Siết chặt một cách có chọn lọc là bài toán đặt ra với các ngân hàng thời điểm này.
Nhiều dự báo cho rằng, nhu cầu vốn cho nền kinh tế sẽ tăng trở lại theo kịch bản phục hồi hình chữ V của Việt Nam. Mức lãi suất cho vay có thể nhích lên về cuối năm nhưng vẫn thấp hơn năm ngoái, hỗ trợ đúng và trúng các đối tượng, qua đó tạo sự phục hồi bền vững cho nền kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!