Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với TP.HCM và 7 tỉnh lân cận để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế khi khu vực này chiếm đến 43% GDP của cả nước. Để khu vực này trở thành "bát giác kim cương" nhất thiết phải có các cơ chế đặc thù, chính sách hổ trợ từ ngân sách trung ương. Trong vai trò là đầu tàu, trung tâm phát triển của khu vực, TP.HCM mới đây đã đề xuất thành lập "Thành phố phía Đông", xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao tại khu vực phía Đông thành phố, tạo động lực phát triển kinh tế của thành phố trong 10 năm tới.
Phố Đông - Thượng Hải: Sự thành công của mô hình "thành phố trong thành phố"
Cách đây 30 năm, khu Phố Đông - Thượng Hải chỉ là bãi đất trống, nhà thấp tầng nhưng bây giờ là những tòa nhà chọc trời, quy tụ những doanh nghiệp hàng đầu tại khu trung tâm tài chính Lục Gia Thủy, nằm bên bờ sông Hoàng Phố.
Ngay từ những ngày đầu, khu Đông được quy hoạch đầy đủ các khu chức năng như: khu sân bay (cảng biển) quốc tế, khu thương mại tài chính, khu chế xuất, công nghiệp, khu công viên khoa học, khu triển lãm kinh tế kỹ thuật… Ông Gao Chengyong – một trong những chuyên gia đã tham gia quy hoạch thực hiện những dự án đầu tư ở khu phố Đông, cho biết, đề án quy hoạch này nhằm tạo nên một thế mạnh tổng hợp cho Phố Đông.
Ông Gao Chengyong, Ủy viên Ủy ban Công nghệ, Cục Phát triển Đô thị Thượng Hải, cho biết: "Việc xây dựng sân bay quốc tế Phố Đông đã mang đến những điều kiện thuận lợi để phát triển khu Phố Đông. Trong quá trình phát triển khu phố Đông, vì việc quy hoạch là rất quan trọng, mọi phương diện đều phải được cân nhắc kĩ lưỡng, bao gồm việc quy hoạch giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, và sự phát triển dân số về sau này".
Ngoài ra, với nhiều chính sách thu hút đầu tư đổi mới theo tư duy thị trường, như giao quyền quyết định, tự chịu trách nhiệm cho cấp chính quyền địa phương, đẩy mạnh hợp tác công tư, rút gọn thủ tục chấp thuận đầu tư trong và ngoài nước chỉ còn 7 ngày… đã giúp kinh tế khu vực này phát triển nhanh chóng, đóng góp hơn 1 nửa ngân sách cho thành phố Thượng Hải với con số hàng trăm tỷ USD mỗi năm, giúp Thượng Hải hiện trở thành là 1 trong 5 trung tâm tài chính hàng đầu trên thế giới!
TP.HCM chú trọng phát triển kinh tế tri thức, sáng tạo cho Khu Đông
Với đề xuất "Thành phố phía Đông", hiện chính quyền TPHCM chọn quận 2, quận 9 và Thủ Đức là khu vực phát triển ý tưởng này. Theo bản đồ quy hoạch, khu vực 3 quận nằm tiếp giáp với cửa ngõ phía Đông, nối ra sân bay Quốc tế Long Thành tương lai, tiếp giáp khu vực Cảng Cái Mép ra hướng Bà Rịa - Vũng tàu. Có thể thấy, từ bài học Phố Đông Thượng Hải, khu Đông TPHCM kết nối ra các vùng lân cận tạo thành 1 vị trí địa lý rất thuận lợi, lý tưởng phát triển một siêu đô thị với đầy đủ chức năng về hạ tầng, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho TPHCM mà còn các tỉnh lân cận.
TP.HCM chú trọng phát triển kinh tế tri thức, sáng tạo cho Khu Đông
Để làm nền tảng cho mô hình thành phố phía Đông, hiện TP.HCM đã điều chỉnh quy hoạch khu đô thị sáng tạo phía Đông, lấy kinh tế tri thức, công nghệ cao làm cốt lõi.
Sau khi đã chọn được ý tưởng thiết kế cho khu đô thị sáng tạo, đại diện Sở Quy hoạch kiến trúc cho biết, khu đô thị này sẽ chia thành nhiều phân khu khác nhau, ví dụ như: Trung tâm tài chính Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao, Khu Đại học Quốc Gia phát triển giáo dục bậc cao và một số khu mới như Khu thể thao Rạch Chiếc, Khu công nghệ sinh thái nông nghiệp Tam Đa… Ngoài ra, thành phố cũng đã đi vào nghiên cứu các chính sách để ưu đãi để thu hút đầu tư.
Hiện Tp.HCM đã hình thành 1 ban chỉ đạo xây dựng và phát triển quy hoạch thành phố Đông, trong đó, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh 02 nhiệm vụ của của TP phía Đông: một là phát triển kinh tế sáng tạo, nhiệm vụ thứ hai là hợp tác phát triển với các tỉnh lân cận trong vùng.
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM – cho biết: "Chúng ta sẽ khuyến khích họ ứng dụng những công nghệ thông minh, công nghệ tiến bộ để hạn chế thâm dụng lao động, còn đối với những ngành nghề thâm dụng lao động lớn, chúng ta sẽ có 1 liên kết vùng để chúng ta điều tiết lại".
Theo đánh giá của các chuyên gia, tăng trưởng GRDP của TPHCM dù vẫn tăng nhưng đang chậm lại xoay quanh mức chỉ hơn 8%/năm, không tương xứng với tiềm năng. Do đó, chính quyền TPHCM phải tìm những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong hàng chục năm tới.
Khu đô thị Phía Đông dự kiến có quy mô hơn 21.000ha với khoảng 1 triệu dân, kỳ vọng sẽ đóng góp 30% GDP của thành phố, nghĩa là bằng 4-5% GDP của cả nước. Hiện đề xuất này của TP.HCM được sự ủng hộ của Thủ tướng Chính phủ nhưng phải chờ sự hướng dẫn từ Bộ Tư Pháp để thực hiện đúng các quy định, trình tự thủ tục liên quan.
TP.HCM cần làm gì để hiện thực hóa giấc mơ Khu Đông?
Có thể thấy, định hướng của TP.HCM đã rõ ràng, ý tưởng này lại được rất nhiều chuyên gia kinh tế đô thị ủng hộ. Vậy nếu như chủ trương được thông qua, để hiện thức hóa mô hình này, thực sự rất nhiều việc cần phải bàn. Với quy mô đô thị lên tới hàng chục ngàn ha, theo nhiều chuyên gia, TP.HCM nên triển khai quy hoạch xây dựng từng cụm đô thị hoàn thiện, như hiện nay chúng ta đã có như khu đô thị đại học, khu công nghệ cao… sau đó lan ra khu vực khác như vết dầu loang, chứ không nên làm da beo. Liên quan chủ đề này, PV VTV đã ghi nhận những ý kiến đề xuất từ Chuyên gia quy hoạch đô thị Ngô Viết Nam Sơn - ông là người từng tham gia vào giai đoạn đầu quy hoạch khu Phố Đông của Thượng Hải và ở Việt Nam là người tham gia quy hoạch khu đô thị Nam Sài Gòn Phú Mỹ Hưng hiện nay.
Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, đây là 1 chủ trương đúng, TP.HCM nói riêng và Việt Nam chúng ta nói chung có thể đạt được những thành tựu kinh tế rất cao nếu như có sự chuẩn bị tốt, nhưng việc thực hiện nó không đơn giản, bởi vì nó đòi hỏi 1 nguồn vốn đầu tư rất cao, đòi hỏi cách quản lý cần có sự thay đổi, cần có cơ chế đặc thù.
TP.HCM cần làm gì để hiện thực hóa giấc mơ Khu Đông?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!