Làm gì để thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa?

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 16/11/2022 07:32 GMT+7

VTV.vn - Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2022 trên toàn quốc bắt đầu từ ngày 15/11, kéo dài đến ngày 22/12.

Triển khai tháng khuyến mại tập trung

Ngày 15/11 là ngày bắt đầu triển khai Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2022 trên toàn quốc. Mức khuyến mại tối đa các doanh nghiệp được triển khai lên tới 100%. Mục tiêu nhằm tạo ra một "mùa đặc biệt" trong năm trên khắp các kênh thương mại điện tử, ví điện tử, hệ thống các siêu thị, đẩy mạnh các liên kết chuỗi cung ứng hàng hóa, bình ổn giá cả.

Vấn đề là làm sao để khuyến mãi phải thực sự đảm bảo về số lượng/ chất lượng hàng hoá, phải là khuyến mại giảm giá thật... đến tay người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa, nhất là trong bối cảnh thị trường quốc tế đang có nhiều biến động làm sụt giảm các đơn hàng xuất khẩu.

Một số tỉnh thành phố đã hưởng ứng, triển khai tháng khuyến mại từ đầu tháng. Sức mua tại các hệ thống siêu thị ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội hiện đã tăng từ 25% - 30% so với tháng trước. Còn các trang thương mại điện tử cũng ghi nhận số lượng doanh nghiệp/cá nhân tham gia bán hàng tăng hàng chục lần so với cùng kỳ.

Năm nay, tháng khuyến mại tập trung quốc gia dự kiến sẽ có gần 100 nghìn chương trình khuyến mại, gấp đôi so với năm ngoái. Các sản phẩm, mặt hàng được khuyến mại mạnh như thực phẩm, đồ gia dụng, điện, điện tử, dịch vụ du lịch, giải trí, lưu trú…

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết: "Điểm mới của năm nay là thời gian lên tới 2 tháng, thêm những ngày bán hàng trực tuyến phối kết hợp 63 tỉnh thành chắc chắn đảm bảo nguồn cung, trong đó là nguồn cung hàng háo thiết yếu, trước, sau Tết, tăng được mức tổng doanh thu và dịch vụ góp phần vào phát triển kinh tế cả nước".

Làm gì để thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa? - Ảnh 1.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 10 tháng đầu năm nay đã tăng trên 20% so với cùng kỳ, cao gấp đôi so với cùng kỳ trước đại dịch. Như vậy, tháng khuyến mại tập trung được kỳ vọng sẽ đẩy cao hơn nữa tốc độ tăng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cuối năm.

Khuyến mại kích cầu tiêu dùng

Tháng khuyến mại tập trung quốc gia đã được triển khai nhiều năm qua và cứ năm sau thì quy mô lại lớn hơn năm trước kể cả trong thời điểm dịch bệnh.

Năm 2020 đã thu hút được gần 27.500 chương trình khuyến mại, góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng triển khai chương trình đạt khoảng 432 nghìn tỷ đồng.

Năm 2021, Tháng khuyến mại tập trung quốc gia có sự tham gia của hơn 56.400 chương trình khuyến mại, góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng triển khai chương trình đạt gần 459 nghìn tỷ đồng.

Sang đến năm nay, số chương trình khuyến mại lại tăng gấp đôi năm ngoái, kỳ vọng tiếp tục góp phần không nhỏ vào việc kích cầu tiêu dùng nội địa, kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam, thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu hàng hóa để thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh COVID-19.

Chủ động trước thách thức xuất khẩu

Có thể nói rằng thị trường nội địa đang là điểm tựa cho nhiều doanh nghiệp lúc này khi mà lạm phát làm sức mua tại các nền kinh tế lớn giảm mạnh, xuất khẩu của Việt Nam vì thế kém thuận lợi hơn trong thời điểm cuối năm.

Trong tháng 9, dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, điện thoại và linh kiện, thủy sản sụt giảm từ 10% đến hơn 30% về giá trị xuất so với tháng 8. Sang tháng 10, ngành dệt may, máy móc phụ tùng tiếp tục sụt giảm so với tháng 9. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp khan hiếm đơn hàng xuất khẩu, buộc phải thu hẹp sản xuất.

Làm gì để thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa? - Ảnh 2.

Từ tháng 7, đơn hàng chủ lực của Công ty TNHH Việt Thắng Jean xuất đi EU bị giảm đột ngột đến hơn 50%. Hoa Kỳ, Australia, Nhật cũng giảm đến 30%. Doanh nghiệp buộc phải tìm đơn hàng từ các thị trường ngách như Hàn Quốc, Canada... với kỳ vọng ít nhất từ nay đến cuối có thể đảm bảo năng lực sản xuất khoảng 80%.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, cho biết: "Đa dạng hoá thị trường, mỗi thị trường làm một sản phẩm khác nhau, như Australia thì thiên về chất lượng, Canada thiên về chất liệu để phù hợp với dáng người theo mùa, tập trung thị trường nội địa...

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu nửa đầu tháng 10 đạt 14,1 tỷ USD, giảm 10% so với nửa cuối tháng 9. Các đơn đặt hàng từ phía nhà nhập khẩu giảm, kết hợp với lượng hàng tồn kho cao tại các hệ thống bán lẻ khiến xuất khẩu giảm tốc, đặc biệt ở các thị trường lớn.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, nhận định: "Thời gian tới thị trường xuất khẩu sẽ phải đối mặt thách thức bị thu hẹp khi kinh tế Hoa Kỳ và nhiều nước có nguy cơ rơi vào suy thoái, làm gia tăng áp lực lên nguồn thu ngoại tệ, cán cân thanh toán quốc tế... Theo đánh giá, hàng hoá có dư địa tăng trưởng là mặt hàng da giày, dệt may, linh kiện điện tử, thuỷ sản, đây là những mặt hàng tiêu dùng nên tác động tiêu cực được giảm thiểu.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, nói: "Tác động từ việc tăng giá lương thực, tăng giá xăng dầu đang khiến nhu cầu tiêu dùng, nhập khẩu các nước phát triển cũng giảm theo. Việc tăng trưởng xuất khẩu vừa rồi có chậm lại, nhưng đổi lại là các thị trường xuất khẩu, sự đa dạng hoá của sản phẩm được mở rộng".

Tổ chức thương mại thế giới (WTO) dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ tăng 3,5% năm nay, nhưng sẽ chỉ đạt 1% năm tới do tác động ngày càng sâu của lạm phát.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 10 tháng tăng trên 20% so với cùng kỳ. Thị trường nội địa là điểm tựa cho tất cả doanh nghiệp trước những biến động thế giới. Khai thác tốt thị trường trong nước là một trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Muốn vậy, cần có những giải pháp đồng bộ theo dõi sát diễn biến, cung cầu giá cả các mặt hàng để có biện pháp điều tiết kịp thời, bảo đảm phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, đặc biệt là ổn định giá cả và lưu thông hàng hóa trong cao điểm cuối năm

Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 15/11 với khách mời là ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương sẽ trao đổi chi tiết về vấn đề này, Mời quý vị và các bạn theo dõi!

.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước