"Làm luật" để qua cửa khẩu

VTV Digital-Thứ hai, ngày 28/02/2022 13:20 GMT+7

VTV.vn - Ngoài nỗi khổ ăn ở hàng ngày, nỗi lo tắc biên, nông sản hư hỏng…, các tài xế và chủ xe hàng còn phải nộp một thứ tiền không chính thống, gọi là tiền nộp cho "nhà luật".

"Đổ mồ hôi, sôi nước mắt" là câu nhiều người vẫn thường nhắc khi nói về sự vất vả của người nông dân khi làm ra một vụ mùa. Trồng trọt đến khi thu hoạch đã khổ, nhưng hành trình bán được nông sản, với thương lái Việt cũng chẳng kém phần.

Liên tiếp nhiều tháng qua, tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn vẫn chưa thể giải quyết triệt để, khiến các chủ hàng và tài xế như ngồi trên đống lửa, bởi thời gian chờ đợi càng lâu, thiệt hại sẽ càng lớn. Các tài xế phải tìm mọi cách để tằn tiện nhất có thể cho chuỗi ngày bám trụ chờ được thông quan.

Làm luật để qua cửa khẩu - Ảnh 1.

Xe chở hàng chờ xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). (Ảnh: TTXVN)

Ùn ứ tại cửa khẩu, hàng nghìn xe xuất khẩu nông sản gặp khó

Những ngày sau Tết, bãi tập kết xe hàng chờ lên cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn, chật cứng xe container chở hàng nông sản xuất khẩu.

Hôm nay là ngày thứ 14 nhóm tài xế ở đây và chưa biết đến khi nào mới đến lượt lên bãi xe hàng tại cửa khẩu để thông quan. Để tiết kiệm chi phí, gần 10 người cùng nhau góp gạo thổi cơm chung.

Anh Dương Thanh Tâm, ở Tiền Giang, lái xe chở nông sản xuất khẩu, cho biết: "Từ xưa đến giờ chưa bao giờ gặp tình cảnh như thế này. Thường ra 3 - 4 hôm là đi về, nay 12 - 13 ngày chưa bỏ được xe hàng".

Thêm một ngày là thêm gánh nặng cho cả chủ xe cũng như tài xế, bởi tốn kém chi phí gửi xe cho bãi và tiền ăn uống sinh hoạt hàng ngày.

Những giọt nước rớt từ hệ thống máy lạnh trên thùng container cũng được họ tận dụng tối đa để đỡ tiền mua nước, vì bớt được đồng nào thì hay đồng đó.

"Nước trong máy lạnh, khi nổ lạnh nó làm đá. Khi đá tan ra chảy nước xuống. Bọn em để rửa chén, bát", tài xế chở xe hàng nông sản xuất khẩu chia sẻ.

Trung bình một chuyến hàng chở nông sản từ miền Nam ra Lạng Sơn, mỗi tài xế sẽ được chủ xe trả lương khoảng 6 triệu đồng. Tuy nhiên với tình cảnh này, có thể họ sẽ không nhận được đủ tiền công. Vì nằm chờ quá lâu, ngoài tiền gửi xe hàng ngày, chi phí nhiên liệu dầu, bảo trì máy lạnh, nông sản còn có nguy cơ bị hư hỏng… Khi đó chủ xe sẽ bị thiệt hại nặng nề.

Theo báo cáo của tỉnh Lạng Sơn, hiện tổng lượng xe nông sản chờ xuất khẩu tại 2 cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh khoảng 1.500 xe. Trước tình hình đó, địa phương này vừa có văn bản thông báo các cửa khẩu tạm dừng tiếp nhận phương tiện chở nông sản xuất khẩu từ nay đến ngày 5/3 tới.

"Hiện nay phương thức giao nhận của phía Việt Nam và Trung Quốc đang thực hiện quản lý chặt do yêu cầu Trung Quốc đang thực hiện chế độ không COVID-19. Trong quá trình hội đàm, chúng tôi phải thực hiện theo yêu cầu của họ", ông Bế Thái Hưng, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Hải quan Cửa khẩu Tân Thanh, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, cho hay.

Theo công suất hiện tại, mỗi ngày tại cửa khẩu Tân Thanh chỉ giải quyết được từ 30 - 35 xe hàng nông sản xuất khẩu. Còn tại cửa khẩu Hữu Nghị, số xe thông quan mỗi ngày được nhiều hơn, nhưng cũng chỉ khoảng 100 xe.

Với những tài xế và chủ xe nông sản, giờ họ chỉ còn biết ngồi chờ đợi, sớm hơn được ngày nào sẽ bớt đi gánh nặng ngày đó, vì mỗi chuyến xe là một hành trình mưu sinh và là cơm - áo - gạo - tiền…

Tiền nộp cho "nhà luật"

Ngoài nỗi khổ ăn ở hàng ngày, nỗi lo tắc biên, nông sản hư hỏng…, các tài xế và chủ xe hàng còn thấp thỏm vì một thứ tiền không chính thống, gọi là tiền nộp cho "nhà luật", lên tới vài chục triệu đồng.

Một tài xế cho biết, để làm thủ tục xuất xe hàng nông sản sang bên kia biên giới, bắt buộc phải nộp tiền cho "nhà luật" (những người lo giấy tờ, thủ tục và các chi phí phát sinh ở khu vực cửa khẩu).

"Cùng một chuyến hàng, có nhà luật thu 18 triệu. Luật kia thu 15 triệu. Không có giống ai hết. Nó không làm luật thì xe mình đâu có qua được", một tài xế xe chở nông sản xuất khẩu chia sẻ.

Làm luật để qua cửa khẩu - Ảnh 2.

Theo phản ánh của các tài xế, số tiền mà các "nhà luật" thu không cố định, tùy thuộc vào từng "nhà luật" và mặt hàng nông sản khác nhau. Tuy nhiên điểm chung, mức thu của "nhà luật" tại cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh đều dao động trên dưới 20 triệu đồng đối với một xe hàng xuất khẩu nông sản.

"Tiền này không có hóa đơn chứng từ gì. Chỉ có giấy lộn. Nhà xe mình lấy 30 triệu thì ghi thế này, thế này. Mình có biết đâu, mình vẫn đưa nó chứ. Mình đâu biết đâu", tài xế xe chở nông sản xuất khẩu nói.

Một tài xế đã chuyển tiền cho một "nhà luật" ở khu vực Hữu Nghị. Tổng số tiền phải nộp sau khi thông quan xe hàng là 20,2 triệu đồng. Khoản thu không hề có hóa đơn chứng từ, mà nhà luật chỉ kê khai cho tài xế vẻn vẹn các đầu mục chi phí chung chung, sơ sài.

Ngoài các khoản tiền luật phát sinh, một trong những thứ mà tài xế bức xúc phải kể đến là phí tài bo. Cách gọi khác của phí cho đội ngũ lái xe trung chuyển do dịch bệnh mà tài xế không trực tiếp lái xe qua biên giới. Theo quy định, khoản tiền này lẽ ra phải được thỏa thuận, nhưng thực tế, "nhà luật" thu bao nhiêu phải trả bấy nhiêu. Dù chỉ đi quãng đường hơn 200 m, phí tài bo lên đến 2,5 - 3 triệu đồng mỗi chiều.

Theo các tài xế, khi thông quan xe hàng nông sản, việc nộp tiền cho "nhà luật" đã trở thành thứ luật ngầm, diễn ra từ nhiều năm nay. Từ khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, các khoản thu này tăng lên từng ngày.

"Trước đây là 3,1 triệu. Sau này cứ lên dần dần. Chuyến mà hô luật lên ấy. Chuyến trước lấy 17 triệu 100 trăm nghìn. Hỏi tiền gì thì bảo tiền luật lá, tiền thuê tài chạy qua, tiền chi phí bên Trung Quốc. Chuyến sau hỏi lấy 17 triệu 300 trăm. Thế hỏi 200 phát sinh là cái gì. Nó bảo luật lên. Hỏi lý do nó không nói", tài xế xe chở nông sản xuất khẩu cho biết.

"Bây giờ tình hình dịch bệnh đang khó khăn. Tiền ă, tiền ở, dầu mỡ đã cao rồi. Giờ tiền luật thu cao quá, không chịu được", một tài xế xe chở nông sản xuất khẩu bày tỏ.

Trong khi đó, qua xác minh tại cơ quan hải quan, với một xe hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, theo quy định chủ hàng chỉ phải nộp lệ phí hải quan 20.000đồng, phí sử dụng kết cấu hạ tầng 800.000 đồng và phí bên bãi 400.000 đồng/ngày đêm. Như vậy, tổng chi phí thủ tục cho một container nông sản xuất hàng đi Trung Quốc qua cửa khẩu chỉ là 1.220.000 đồng, nếu không lưu đêm.

"Đối với chúng tôi không có khái niệm "nhà luật". Những người đến làm việc với chúng tôi toàn là các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân kinh doanh. Ví dụ như hộ kinh doanh cá thể có mã số thuế để nộp thuế. Dưới góc độ của cơ quan hải quan thì chúng tôi đang làm việc với doanh nghiệp", bà Hứa Thị Hồng, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, cho hay.

"Nếu thực sự có thông tin như thế thì chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan ban ngành để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh", ông Bế Thái Hưng, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Hải quan Cửa khẩu Tân Thanh, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, nhận định.

Theo lãnh đạo Phòng Cánh sát hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn, trong thời gian vừa qua, sau khi nắm được thông tin về hoạt động của các nhà luật tại khu vực cửa khẩu, đơn vị này đang tổ chức điều tra, xác minh.

"Có một số đối tượng truyền thông thường nói là "nhà luật". Đội hình đấy lấy danh nghĩa của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Vì có một hợp đồng rất lỏng lẻo giữa lái xe với người làm hàng xuất nhập khẩu sau khi chi phí hết bao nhiêu thì về thanh toán. Số này kê chi phí bên Trung Quốc rất cao. Chúng tôi đang cho xác minh, bên Trung Quốc chúng tôi chưa làm rõ được. Nếu làm rõ được vi phạm thì chúng tôi sẽ xử lý", Thượng tá Nguyễn Đình Khải, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lạng Sơn, nhấn mạnh.

Còn về phía các chủ xe hàng nông sản và tài xế, trong bối cảnh dịch bệnh, việc xuất khẩu nông sản gặp khó, khoản chi phí phát sinh lên đến hàng chục triệu đồng cho "nhà luật" làm gia tăng gánh nặng tài chính và thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên vì muốn yên ổn làm ăn, ngại va chạm, nên cũng chưa có trường hợp nào dám gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an.

Thủ đoạn trục lợi từ việc bán "lốt" xe nông sản xuất khẩu giá hàng trăm triệu đồng

Theo nhiều chủ xe, thực chất việc nộp tiền cho "nhà luật" là luật ngầm, luật bất thành văn và họ không có cách nào khác là buộc phải tuân theo, phải chi, để xe được qua cửa khẩu. Tuy nhiên, những chuyện phía sau cảnh ùn ứ ở cửa khẩu chưa dừng ở đó. Một nhóm đối tượng thậm chí còn trục lợi từ việc bán "lốt" xe nông sản xuất khẩu với giá lên tới hàng trăm triệu đồng. Thủ đoạn này đã được cơ quan công an điều tra làm rõ.

Làm luật để qua cửa khẩu - Ảnh 3.

Xe chở hàng tập kết tại khu vực cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) chờ thông quan xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Tại bãi trung chuyển dốc Quýt, thuộc địa bàn huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn vào những ngày cuối năm 2021, hàng nghìn xe chở nông sản từ miền Nam ra đây bị ùn ứ, do việc xuất khẩu hàng sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.

Do nằm chờ trong bãi quá lâu, nhiều xe chở nông sản đã bị hư hỏng, thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng. Để cứu vớt xe hàng, nhiều chủ hàng đã thuê người dân địa phương loại bỏ những quả dập thối với hy vọng sẽ sớm xuất được hàng sang bên kia biên giới.

"Mẫu mã mà xấu đi thì doanh nghiệp lại mất tiền. Nếu ra cửa khẩu mà được đi ngay thì giá sẽ cao hơn một chút. Nếu ra đây lâu mà chưa được đi thì tất cả chủ hàng đều sẽ mất tiền, gần một nửa, có khả năng còn mất trắng", bà Lê Thị Anh, Trưởng nhóm vệ sinh nông sản ở bãi xe dốc Quýt, tỉnh Lạng Sơn, chia sẻ.

Tuy nhiên, thiệt hại của người này lại là cơ hội kiếm tiền của người kia. Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn, lợi dụng tâm lý sốt ruột của chủ hàng, một nhóm đối tượng ngoài xã hội đã câu kết với cán bộ quản lý bãi trung chuyển để sắp xếp, bán "lốt" xe hàng ưu tiên lên cửa khẩu với mức giá dao động từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng. Vì nếu xếp "lốt" bình thường thì mỗi container phải đợi hơn 20 ngày mới đến lượt lên khu vực làm thủ tục thông quan, còn chi tiền sẽ được đi trước.

Thượng tá Nguyễn Đình Khải, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lạng Sơn, cho biết: "Có những xe đến sau lại muốn đi trước, đó là tâm lý của chủ hàng. Chúng câu kết thực hiện đưa xe đến sau xuất khẩu trước. Thông tin này khiến dư luận xã hội bức xúc. Chính quyền lo lắng. Các doanh nghiệp làm ăn chân chính rất bức xúc trong chuyện này".

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, ban đầu, 15 - 20 triệu đồng là mức giá được đưa ra để cho một xe hàng xuất khẩu đi trước. Tuy nhiên, về sau do nhu cầu cao, nhiều chủ hàng sốt sắng nên các đối tượng hét giá lên đến vài trăm triệu đồng. Hiện cơ quan công an đã khởi tố 6 bị can trong vụ án này, trong đó có 2 bị can là cán bộ quản lý đô thị huyện và quản lý bãi xe trung chuyển dốc Quýt.

"Về phía doanh nghiệp, người ta đã đứng trước thiệt hại rất lớn. Một khó khăn lớn như thế trong giai đoạn dịch bệnh lại không có thái độ chia sẻ giúp đỡ, tình nghĩa con người với con người. Lợi dụng khó khăn để lấy tiền của người ta thì là việc rất đáng phải lên án. Thông qua vụ án này chúng tôi muốn nhắc nhở các lực lượng làm nhiệm vụ, nhất là lực lượng xuất nhập khẩu nông sản", Thượng tá Nguyễn Đình Khải cho biết thêm.

Hiện cơ quan công an đang tiếp tục điều tra mở rộng để làm rõ sai phạm và trách nhiệm của những đối tượng liên quan trong vụ án tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu nông sản này.

Các cửa khẩu tại Cao Bằng tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu Các cửa khẩu tại Cao Bằng tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu

VTV.vn - Ngày 25/2, phía Trung Quốc đã thông báo tạm dừng thông quan qua Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, tỉnh Cao Bằng.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước