Đêm qua (13/7) theo giờ Việt Nam, thêm một chỉ số kinh tế quan trọng khác có thể ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong cuộc họp cuối tháng này đã được công bố, đó là chỉ số giá sản xuất (PPI).
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá sản xuất tháng 6 chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ 2022, thấp hơn mức dự báo 0,2% và là mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 8 năm 2020. Như vậy hiện nay, ở cấp độ bán buôn lạm phát tại Mỹ đang giảm nhanh hơn so với lạm phát giá tiêu dùng.
Nhiều chuyên gia đánh giá, chỉ số giá sản xuất và giá tiêu dùng đều tăng thấp hơn dự kiến là bằng chứng rõ ràng cho thấy lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt và chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã phát huy tác dụng.
Người dân mua sắm tại một cửa hàng tạp hóa ở San Francisco. (Ảnh: Bloomberg)
Ở một góc độ khác, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần cũng thấp hơn so với dự báo, cho thấy thị trường lao động vẫn tăng trưởng, nền kinh tế Mỹ chưa có khả năng suy thoái.
Về phía thị trường, chứng khoán Mỹ tiếp tục có ngày thứ hai tăng điểm mạnh. Chỉ số Nasdaq đại diện cho nhóm ngành công nghệ tăng mạnh nhất tới gần 1,6%, lên hơn 14.138 điểm. Sau lần tăng này, chỉ số Nasdaq và S&P 500 đã chốt phiên ở mức cao nhất tính từ đầu năm tới nay.
Trên sàn giao dịch hàng hóa, dầu đã vươn lên mức giá cao nhất trong gần 3 tháng qua. Cả dầu WTI và dầu Brent đều tăng gần 2% giá trị, đóng cửa lần lượt ở 77USD/thùng và gần 82 USD/thùng.
Việc chỉ số giá sản xuất gần như không tăng trong tháng 6 khiến một số nhà đầu tư lạc quan cho rằng kinh tế Mỹ thậm chí đã bước vào giai đoạn giảm phát.
Hiện nay, thị trường càng củng cố kỳ vọng, trong cuộc họp cuối tháng, FED có thể tăng lãi suất lần cuối trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ lần này.
Lạm phát tại Mỹ thấp nhất 2 năm VTV.vn - Lạm phát trong tháng 6 của Mỹ tiếp tục hạ nhiệt. Đến nay, lạm phát tại Mỹ đã giảm khoảng 2/3 sau khi đạt đỉnh vào giữa năm ngoái.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!