Tỷ lệ lạm phát tổng thể tháng 4 của Singapore tăng 5,4%, tương đương với con số trong tháng 3 và gần chạm mức cao nhất trong 10 năm. Lạm phát cao đang gây áp lực lớn lên các hoạt động kinh tế và xã hội tại quốc gia này.
Giáo sư Tan Kong Yam từ Đại học Công nghệ Nanyang cho rằng do Singapore nhập khẩu hầu hết hàng hóa từ nước ngoài nên xu hướng lạm phát gia tăng trên toàn cầu đang ảnh hưởng mạnh đến nước này.
Lạm phát cao đang gây áp lực lớn lên các hoạt động kinh tế và xã hội tại Singapore. (Ảnh: AP)
"Yếu tố tác động mạnh nhất đến Singapore là lạm phát nhập khẩu, vì Singapore là một đảo quốc nhỏ, vì vậy tất cả lương thực đều phải nhập khẩu, như gạo từ Thái Lan, trái cây, rau củ từ Malaysia và Trung Quốc. Chính phủ Singapore phải cố gắng duy trì đồng đô la Singapore mạnh để đương đầu với xu thế lạm phát toàn cầu", Giáo sư Tan Kong Yam, Trường Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, cho biết.
Quyết định tăng lãi suất thêm 0,75% điểm phần trăm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ngày 15/6 vừa qua có thể tác động mạnh đến vị thế của đồng đô la Singapore, qua đó buộc chính phủ nước này thực hiện các biện pháp bảo vệ đồng nội tệ, trong bối cảnh chi phí vay vốn tại Singapore đã tăng mạnh trong 6 tháng trở lại đây. Lãi suất thế chấp trong lĩnh vực bất động sản thậm chí đã tăng gấp đôi.
"Chi phí kinh doanh trong nước của chúng tôi đang gia tăng, điều quan trọng hơn nữa là bạn có thể thấy rõ tỷ lệ lạm phát vận tải khu vực tư trong tháng 3 đã chạm mốc 21,5%", Giáo sư Tan Kong Yam cho biết thêm.
Các biện pháp tăng lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương Anh, sắp tới là cả Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), được xem có thể khiến các nỗ lực bảo vệ đồng nội tệ của Singapore trở nên khó khăn hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!