Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)
Mục tiêu lạm phát tuy đã đạt được, nhưng điều đáng lo ngại là tiền lương không tăng tương ứng. Người dân phải thắt chặt chi tiêu, điều đó có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tiêu dùng cá nhân - 1 trong 2 trụ cột tăng trưởng chính của kinh tế Nhật Bản.
Theo dữ liệu mới công bố của chính phủ Nhật Bản, trong tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng cơ bản (CPI) của nước này đã tăng 2,4%, đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 12/2014 và là tháng thứ 4 liên tiếp vượt mục tiêu 2%.
Nguyên nhân chủ yếu khiến chỉ số CPI tại Nhật Bản tăng là do giá năng lượng và hàng hóa tăng cao, đặc biệt là hàng hóa nhập khẩu khi đồng Yen mất giá so với đồng USD.
Chỉ số CPI của Nhật Bản được cho là sẽ tiếp tục duy trì trên mức 2% khi các doanh nghiệp tiếp tục xu hướng chuyển giá sang cho người tiêu dùng, nhiều mặt hàng bán lẻ sẽ tăng giá trong hai đợt vào tháng 8 và tháng 10 tới.
Theo khảo sát, lạm phát cao sẽ khiến trung bình chi tiêu của các hộ gia đình tại Nhật Bản tăng khoảng 50.000 Yen (khoảng 380 USD) trong năm 2022, tức là gánh nặng chi tiêu tăng thêm, trong khi đó tốc độ tăng lương vẫn rất chậm, điều này sẽ khiến các hộ gia đình phải thắt chặt chi tiêu cá nhân, tác động tiêu cực đến đà phục hồi của kinh tế Nhật Bản.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đang bị chỉ trích vì không đủ linh hoạt để kiểm soát lạm phát và đồng Yen mất giá, tuy nhiên theo phát biểu mới nhất của ông Kuroda, Thống đốc Ngân hàng Trung ương nước này, chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn sẽ vẫn được thực hiện nhằm duy trì lạm phát ổn định ở mức 2% và hỗ trợ đà phục hồi kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!