Lạm phát quý 1 trong tầm kiểm soát

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 15/04/2022 20:13 GMT+7

VTV.vn - Quý 1 vừa qua, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước. Tuy cao hơn mức tăng 0,29% của cùng kỳ năm 2021, nhưng lạm phát quý 1 vẫn trong tầm kiểm soát.

Đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang gánh chịu cơn "bão giá" chưa từng có trong vài chục năm qua.

Áp lực lạm phát tăng cao tại nền kinh tế lớn và là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Cụ thể, lạm phát của Mỹ tháng 2 tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ tháng 01/1982. Lạm phát tại Anh tháng 2 tăng 6,2% mức cao nhất trong 30 năm qua. Các nước thuộc khu vực ASEAN đều có mức lạm phát tháng 2 cao hơn Việt Nam.

Giá xăng dầu tăng là nguyên nhân chính tác động lên lạm phát. Bình quân quý 1, giá xăng dầu trong nước tăng 48,81% so với cùng kỳ năm 2021.

Với kinh nghiệm điều hành giá trong những lúc khó khăn, các bộ, cơ quan và tổ chức quốc tế đều nhận định việc kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm ở mức khoảng 4% hiện vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, công tác điều hành giá linh hoạt nhưng phải rất thận trọng và tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.

Kiểm soát và kiềm chế lạm phát

So với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 1,92%. Trong khi đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát cho cả năm là 4%.

Để kiểm soát và kiềm chế lạm phát, nhiều chính sách, biện pháp đã được thực thi và những chính sách này đã tác động tích cực đến mặt bằng giá cả hàng hóa, dịch vụ… Dù còn nhiều thách thức, nhưng đà tăng của giá cả đã được hãm lại.

Lạm phát quý 1 trong tầm kiểm soát - Ảnh 1.

Quý 1 vừa qua, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

Là doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất thiết bị điện, nên việc biến động của giá cả hàng hóa nhiên, nguyên, vật liệu đầu vào của thế giới đã tác động trực tiếp vào giá thành sản phẩm. Doanh nghiệp ước tính, mức tăng này lên tới 20%.

Tuy nhiên, để hạn chế những tác động của giá cả nhiên, nguyên, vật liệu, doanh nghiệp đã phải tự cân đối các bài toán chi phí của mình.

"Có 2 giải pháp, giải pháp thứ nhất đó là năng cao, đẩy mạnh quá trình quản trị doanh nghiệp, sắp xếp tổ chức hợp lý để giảm chi phí sản xuất. Thứ hai là giảm lợi nhuận của doanh nghiệp", ông Tạ Hồng Thái, Công ty CP Thương mại và kỹ thuật năng lượng Việt Nam, cho biết.

Trong khi đó, ở góc độ vĩ mô, các chính sách cắt giảm thuế, phí và giãn thời gian nộp thuế mà Bộ Tài chính đã và đang áp dụng cũng đã kìm hãm đà tăng giá của hàng hóa, nguyên, nhiên liệu...

Giảm thuế VAT 2%, giảm 50% phí bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã được áp dụng. Trong thời gian tới, tiền sử dụng đất cũng sẽ được hoãn cho các doanh nghiệp. Tất cả những chính sách này đều đã tác động trực tiếp đến mặt bằng giá cả, hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu.

"Các chính sách giảm thuế VAT, giảm phí mà Bộ Tài chính đã áp dụng tổng cộng gần 90.000 tỷ. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang trình để giãn tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, ước tính lên đến 135.000 tỷ đồng", ông Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho hay.

Hết quý 1 năm nay, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 1,92%. Trong khi mục tiêu kiểm soát lạm phát cho cả năm là 4%. Dư địa vẫn còn, nhưng cũng không phải là dư dả.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, CPI mỗi tháng chỉ còn dư địa tăng 0,54% mới đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%. Đây là một thách thức không hề nhỏ đối với công tác quản lý giá cả trong bối cảnh hiện nay.

Bữa ăn trở nên đắt đỏ hơn vì lạm phát Bữa ăn trở nên đắt đỏ hơn vì lạm phát

VTV.vn - Không chỉ ở Mỹ, lạm phát đang diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới do tác động của xung đột Nga - Ukraine và đại dịch COVID-19. Lạm phát làm các bữa ăn trở nên đắt đỏ hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước