Hội nghị lần này cũng là lần đầu tiên nhiều startup được tham gia để tham luận về triển khai các nền tảng cốt lõi cho Chính phủ số và chuyển đổi số quốc gia.
Hội nghị thường kỳ của Uỷ ban quốc gia về Chính phủ điện tử
Đây là ý tưởng được đưa ra bởi Bộ Thông tin và truyền thông, vừa ghi nhận những nỗ lực của các doanh nghiệp mới trong việc đóng góp các nền tảng Make in Vietnam trở thành nền tảng chuyển đổi số quốc gia vừa là dịp để chính phủ được lắng nghe thêm những ý kiến mới mẻ từ người trẻ để kiến tạo tốt hơn, thúc đẩy nhanh hơn tiến trình phát triển Chính phủ điện tử.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi cùng các startup trẻ.
Startup Việt phát triển sản phẩm Việt vì sự an toàn của người Việt
Sự an toàn của người Việt khi chuyển đổi số, đưa toàn bộ dữ liệu và mọi hoạt động sống của mình lên không gian số là nỗi lo chung không chỉ của doanh nghiệp mà của mỗi người dân. Các nền tảng startup dù mới mẻ nhưng đều là những sản phẩm Make in Vietnam, do người trẻ Việt Nam sáng tạo ra kỳ vọng sẽ khỏa lấp nỗi lo này.
Ông Lê Việt Thắng, đại diện nền tảng quản trị doanh nghiệp 1Office chia sẻ: "Chứng kiến nguồn dữ liệu quý giá của ta bị nước ngoài sử dụng hàng ngày, hàng giờ mà chúng ta thậm chí còn phải trả tiền cho họ, với chúng tôi, đây là một niềm day dứt khôn nguôi. Tôi luôn đau đáu vì sao chúng ta có hạ tầng công nghệ tốt, có đội ngũ kỹ sư hàng đầu thế giới và chi phí nhân công ở mức lý tưởng mà lại phải bỏ tiền để thuê/mua các phần mềm/ứng dụng từ nước ngoài? Bởi vậy, 1Office ra đời trước hết xuất phát từ niềm tự tôn dân tộc và đam mê tối ưu hóa doanh nghiệp Việt (hay nâng cao năng suất lao động). Bởi vậy, ngay từ khi 1Office còn thai nghén, chúng tôi đã xác định nhiệm vụ đi tìm lời giải cho bài toán tăng năng suất lao động của doanh nghiệp sẽ trở thành giá trị cốt lõi".
Ông Lê Việt Thắng - Sáng lập nền tảng 1Office
Đơn vị này cũng cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến đầy phức tạp, việc doanh nghiệp được trang bị một công cụ hỗ trợ sẽ là đòn bẩy tuyệt vời giúp doanh nghiệp đứng vững và vượt qua sóng gió. Doanh nghiệp Việt sẽ có một giải pháp công nghệ thuần Việt, thấu hiểu và vì lợi ích của người Việt, chúng ta cũng không còn phải đau đáu nỗi lo thất thoát dữ liệu.
Ông Khổng Huy Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam
Còn đại diện của doanh nghiệp về an toàn thông tin VNCS, ông Khổng Huy Hùng bày tỏ mong muốn được hợp tác với các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp nội: "Kính mong các Quý vị lãnh đạo ở đây, cũng chính là những khách hàng của chúng tôi hãy tin và sử dụng sản phẩm Việt vì chất lượng tốt, hỗ trợ dịch vụ tuyệt vời với chi phí tiết kiệm đến 2-3 lần. Mong quý vị luôn hiểu rằng, khi có sự cố về an toàn thông tin xảy ra, cũng như khi có dịch COVID-19, "nước xa không cứu được lửa gần", chỉ có người Việt Nam mới mang lại hạnh phúc cho nhau mà thôi".
Tại hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, ban hành các nghị định quan trọng để hoàn thiện thể chế phát triển Chính phủ điện tử gồm: Nghị định về định danh và xác thực điện tử; Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!