Hôm 21/4 vừa qua, Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU), ông Phil Hogan tuyên bố, EU sẽ tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc, sau khi đại dịch COVID-19 qua đi. Các lãnh đạo của 3 trong số 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới thảo luận hoặc công bố kế hoạch lôi kéo doanh nghiệp dịch chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc.
"Sau đại dịch COVID-19, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ giảm phụ thuộc vào Trung Quốc". Đó không phải là lời nhận định từ một chuyên gia Mỹ hay châu Âu nào, mà lại đến từ chính 1 doanh nhân Trung Quốc - ông Cao, chủ tịch hãng kính ô tô Fuyao - công ty Trung Quốc đi tiên phong mở nhà máy tại Mỹ trong bộ phim tài liệu vừa giành giải Oscar "American Factory".
Vị doanh nhân ngoài 70 tuổi này cũng tiên đoán rằng, các khu vực gần Trung Quốc như Đông Nam Á sẽ là người dẫn đầu làn sóng dịch chuyển trong khoảng 1-2 năm tới, bởi đây không phải một quá trình dễ dàng trong ngắn hạn và cũng rất khó để đưa nhà máy trở lại các nước phát triển.
Cùng với diễn biến của dịch, việc này đã vượt qua quy mô doanh nghiệp để trở thành kế hoạch mang tầm quốc gia – ví dụ như Nhật Bản. Hồi đầu tháng 4, chính phủ nước này đã dành một phần trong gói kinh tế kỷ lục - khoảng 240 tỷ Yen, tương đương 2,2 tỷ USD, để khuyến khích các công ty nước này mở rộng thêm chuỗi cung ứng ra bên ngoài Trung Quốc - chiến lược được các chuyên gia nước này gọi là "Trung Quốc + 1".
Giới công nghệ - vốn đã chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại vào năm ngoái, cũng đang là nhóm đẩy mạnh nhất dịch chuyển chuỗi cung ứng hậu COVID-19. Theo báo chí, Foxconn và Pegatron, những đối tác của Apple, đều đang cân nhắc các lựa chọn mở các nhà máy lắp ráp iPhone mới, trong đó Ấn Độ, Mexico và Việt Nam là những ứng viên hàng đầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!