Liên kết nội khối ASEAN và "phép thử" COVID-19: Cơ hội và thách thức!

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 31/10/2020 14:21 GMT+7

VTV.vn - Dịch COVID-19 là "phép thử" để các nước ASEAN thấy được vai trò quan trọng của liên kết kinh tế nội khối nếu không muốn bị phụ thuộc vào bên ngoài khi dịch bệnh diễn ra.

Đến nay đã 10 tháng kể từ khi Việt Nam đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN 2020. Vào trung tuần tháng 11 tới đây, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 sẽ chính thức diễn ra theo hình thức trực tuyến.

2020 được xem là một năm đầy thử thách cho nước chủ nhà Việt Nam khi đại dịch COVID-19 bùng phát khiến mọi kế hoạch trù bị bị đảo lộn. Hơn lúc nào hết, một trạng thái bình thường mới đòi hỏi ASEAN càng phải "Gắn kết và Chủ động thích ứng", đúng như chủ để mà Việt Nam đã lựa chọn cho ASEAN 2020.

Sự đứt gãy chuỗi cung ứng, đóng cửa biên giới, tạm dừng nhập khẩu, nguồn nhân lực không thể di chuyển là những thách thức lớn nhất mà ASEAN phải đối mặt, buộc nước chủ nhà phải chủ động và linh hoạt điều chỉnh lại nội dung làm việc, tập trung ứng phó dịch bệnh, đẩy mạnh hợp tác nội khối và phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên việc đóng cửa biên giới lại khiến các nước thành viên ASEAN và các đối tác bên ngoài tăng cường dựng hàng rào thương mại thông qua các biện pháp phi thuế quan. Mặc dù tâm lý tự bảo vệ mình của mỗi nước là điều có thể hiểu được, nhưng sẽ là khôn ngoan hơn nếu các quốc gia trong khu vực có thể hỗ trợ lẫn nhau. Đây chính là kim chỉ nam hành động của 10 nước ASEAN khi dịch bệnh diễn ra.

ASEAN nỗ lực duy trì chuỗi cung ứng và hạn chế biện pháp phi thuế quan

Khi dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, các nước thành viên ASEAN và 10 nước đối tác ban đầu đã phản ứng bằng cách đưa ra nhiều biện pháp hạn chế xuất, nhập khẩu, đặc biệt với các mặt hàng thiết yếu như sản phẩm y tế hay thực phẩm, với lý do đảm bảo an ninh quốc gia, an ninh lương thực.

Theo báo cáo mới nhất của Ban thư ký ASEAN, trong thời gian này, 38 biện pháp hạn chế đã được 10 nước thành viên ASEAN và các đối tác đưa ra.

Về y tế, gần như tất cả các nước đều tạm dừng xuất khẩu các thiết bị bảo hộ sức khỏe, như: găng tay, khẩu trang; thuốc men và nước rửa tay.

Liên kết nội khối ASEAN và phép thử COVID-19: Cơ hội và thách thức! - Ảnh 1.

Logo chính thức cho Năm ASEAN 2020. (Ảnh: Dân trí)

Về lương thực và sản phẩm khác, nhiều hạn chế xuất, nhập khẩu đã được áp dụng, ví dụ như Campuchia cấm xuất khẩu gạo và cá; Myanmar không phát hành giấy phép xuất khẩu gạo; Philippines tăng 10% thuế nhập khẩu dầu thô và sản phẩm lọc dầu.

Tuy nhiên với cách tiếp cận đảm bảo phải mở cửa một cách hợp lý nhằm duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu, loại bỏ các rào cản phi quan thuế, liên tiếp một tuyên bố chung và một kế hoạch hàng động cấp Bộ trưởng Kinh tế ASEAN cùng một tuyên bố cấp bộ trưởng kinh tế trong cơ chế ASEAN+3 gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đã được thông qua, với nỗ lực của nước chủ nhà Việt Nam chỉ trong 6 tháng đầu năm.

"Các Bộ trưởng kinh tế ASEAN đều thống nhất tất cả nên kiềm chế áp dụng các biện pháp phi thuế quan không cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay; kịp thời thông báo thông qua Ban thư ký ASEAN về các biện pháp hạn chế xuất khẩu lên các mặt hàng thiết yếu; cập nhật những biện pháp này để đảm bảo tính minh bạch", ông Jerry Sambuaga, Thứ trưởng Bộ Thương mại Indonesia, cho biết.

"Phải nói rằng, nếu như các rào cản thương mại liên quan hàng hóa thiết yếu được dỡ bỏ, cả khối ASEAN sẽ nhanh chóng ứng phó với dịch bệnh và chớp thời cơ phục hồi kinh tế so với các khu vực khác, thậm chí là xây dựng được chuỗi cung ứng nội khối mạnh mẽ hơn trong thời gian tới", ông Ceferino S. Rodolfo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Philippines, nhận định.

Kết quả là đến nay, các biện pháp hạn chế thương mại trong nội khối và ngoại khối ASEAN đã được dỡ bỏ một cách tự nguyện.

Thậm chí, một Biên bản ghi nhớ (MoU) nhằm xử lý các biện pháp phi thuế quan trong bối cảnh ứng phó với dịch bệnh đang được 10 nước thành viên thảo luận và dự kiến sẽ được các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN ký bên lề và báo cáo tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 vào tháng 11 tới.

Việc duy trì được chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu đã hỗ trợ các nước thành viên ASEAN kiềm chế sự bùng phát của dịch COVID-19, qua đó giúp thương mại hàng hóa tiếp tục lưu thông và đây là cơ sở tăng cường các hoạt động kinh tế nội khối phát triển hơn nữa.

ASEAN vẫn tự hào là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, nhưng thương mại nội khối hiện chỉ chiếm khoảng 20%, bất chấp việc 98% các biểu thuế đã được cắt giảm về từ 0 - 5%.

Do vậy, trong giai đoạn phục hồi này, điều ASEAN cần là một kế hoạch kích thích kinh tế đồng bộ, được thiết kế linh hoạt để chống chọi với suy thoái kinh tế kéo dài và thúc đẩy mạng lưới liên kết sản xuất của ASEAN.

ASEAN xây dựng khung phục hồi tổng thể

Một khung phục hồi tổng thể ASEAN dự kiến sẽ được trình và thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37. Khung phục hồi tập trung vào 3 giai đoạn: tái mở cửa, phục hồi và tự cường; với 5 chiến lược ưu tiên, trong đó nhấn mạnh khai thác tối đa thị trường nội khối, thúc đẩy số hóa toàn diện cũng như đảm bảo an sinh xã hội cho những nhóm yếu thế.

Kèm theo khung phục hồi tổng thể là Kế hoạch triển khai, trong đó đề xuất các biện pháp do từng cơ quan chuyên ngành của ASEAN chịu trách nhiệm triển khai.

Bên cạnh đó, Quỹ ASEAN ứng phó COVID-9 cũng đã và đang được xây dựng. Hiện Quỹ đã nhận được cam kết đóng góp lên tới 10 triệu USD.

Những định hướng và sáng kiến ưu tiên kinh tế năm 2020

Định hướng về thúc đẩy kinh tế nội khối ASEAN đã mang lại những kết quả khả quan trên thực tế. Bên cạnh đó, 2 định hướng kinh tế còn lại cũng đang được thực hiện theo đúng lộ trình đã đề ra.

Thưa quý vị, Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững cùng nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của ASEAN là 2 định hướng quan trọng khác về kinh tế. Để

Tính đến hôm nay (31/10), sau 10 tháng nắm giữ chức Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thúc đẩy và thực hiện thành công 8/13 sáng kiến.

Liên kết nội khối ASEAN và phép thử COVID-19: Cơ hội và thách thức! - Ảnh 2.

Sự đứt gãy chuỗi cung ứng, đóng cửa biên giới, tạm dừng nhập khẩu... là những thách thức lớn mà ASEAN phải đối mặt (Ảnh minh họa: Dân trí)

Một trong những sáng kiến còn lại rất được chờ đợi hoàn thành là Thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây được xem là thông điệp mạnh mẽ khẳng định sự ủng hộ của ASEAN đối với hệ thống thương mại đa phương và sẽ là đóng góp quan trọng cho quá trình phục hồi sau dịch bệnh ở khu vực.

Hiệp định RCEP: Cơ chế hợp tác ở tầm châu Á - Thái Bình Dương

Hợp tác đa phương được xem là một trong những sức mạnh cốt lõi của ASEAN trong suốt hơn 50 hình thành và phát triển.

Lần đầu tiên ASEAN thể hiện vai trò dẫn dắt trong mối liên kết kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua việc xây dựng một FTA với những đối tác lớn, qua đó hình thành một khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN với các đối tác lớn khi được thành lập sẽ bao gồm 2,3 tỷ dân và chiếm gần gần 30 % GDP toàn cầu.

Theo ước tính, tăng trưởng GDP của 15 nước thành viên sẽ đạt 137 tỷ USD. Hiện Ấn Độ, một trong những thành viên ban đầu của hiệp định, vẫn chưa quyết định có tiếp tục tham gia đàm phán RCEP nữa hay không.

Để giữ được mục tiêu ký kết hiệp định trong năm nay, Việt Nam và các nước ASEAN còn phải đóng vai trò trung gian, xử lý mối quan hệ giữa các nước đối tác với nhau, từ đó đưa ra những sáng kiến mang tính dung hòa và giữ được cam kết đồng thuận của các bên về hoàn thành hiệp định RCEP sau 8 năm đàm phán.

"Việt Nam và ASEAN đang đứng trước cơ hội rất lớn để phục hồi chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu khi RCEP được ký kết", Giáo sư Ryo Ikebe, chuyên gia về thương mại quốc tế, Đại học Senshu, Nhật Bản, nhận định.

Dự kiến, Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 4 sẽ được diễn ra trong Tuần lễ Cấp cao ASEAN lần thứ 37 diễn ra vào trung tuần tháng 11 tới.

Nhiều kỳ vọng được đặt vào các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 vào trung tuần tháng 11 tới. Một trong số đó là kỳ vọng ASEAN sẽ đưa ra một kế hoạch toàn diện với những định hướng phát triển chung hậu COVID- 19.

Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, với việc điều phối linh hoạt và chủ động, Việt Nam đã thể hiện một sự khẳng định mạnh mẽ đầy quyết tâm để hướng đến một ASEAN "Gắn kết và Chủ động thích ứng".

GDP Việt Nam vượt Singapore và Malaysia hàng trăm tỷ USD, đứng thứ 4 ASEAN GDP Việt Nam vượt Singapore và Malaysia hàng trăm tỷ USD, đứng thứ 4 ASEAN

VTV.vn - Quy mô GDP Việt Nam năm 2020 ước đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore 337,5 tỷ USD và Malaysia 336,3 tỷ USD, đứng thứ 4 ASEAN.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước