Liên kết phát triển lúa gạo theo hướng bền vững

Tấn Hưng-Chủ nhật, ngày 13/08/2023 13:15 GMT+7

VTV.vn - Một số DN cho biết khó mua được lúa, gạo phục vụ chế biến, xuất khẩu do giá lúa tăng. Tuy nhiên tại Kiên Giang, ở những mô hình liên kết, DN có thể mua một cách thuận lợi.

Giá lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tục có sự điều chỉnh tăng. Nông dân ai cũng vui mừng vì đây là cơ hội "ngàn năm có một". Những cánh đồng chín vàng ngay thời điểm này đang tạo sức hút rất lớn đối với các doanh nghiệp và các thương lái thu mua lớn nhỏ.

Trước tình hình giá lúa tăng, một số doanh nghiệp phản ánh họ rất khó mua được lúa gạo để phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên tại Kiên Giang, ở những mô hình đã liên kết, doanh nghiệp hoàn toàn có thể thu mua lúa một cách thuận lợi.

Khác với cảnh tranh mua, tranh bán ở nhiều địa phương, những cánh đồng ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang vẫn bình yên chín vàng chờ ngày thu hoạch. Đại diện doanh nghiệp đến xem lúa, thử mẫu và "thương lượng giá" với nông dân. Gọi là thương lượng vì giá lúa tăng quá cao, cả hai bên cần một mức giá phù hợp để hài hòa lợi ích trong giai đoạn này.

"Người ta chốt, mình làm với uy tín của mình với công ty. Đã ký là làm. Dù lên xuống cũng vẫn chấp nhận", anh Nguyễn Văn Tự, xã Mỹ Thuận, Hòn Đất, Kiên Giang, chia sẻ.

Liên kết phát triển lúa gạo theo hướng bền vững - Ảnh 1.

Thu hoạch lúa ở xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang). (Ảnh: TTXVN)

Anh Tự cũng như những nông dân khu vực này đã có hơn chục năm liên kết với doanh nghiệp. Mỗi năm 2 vụ, doanh nghiệp đầu tư phân thuốc, hỗ trợ nhân viên kỹ thuật, trang thiết bị cơ giới. Nông dân tập trung canh tác theo yêu cầu, từ giống cho đến quy trình. Ngoài mức giá thu mua được chốt, bà con sẽ được cộng thêm vài trăm đồng trên mỗi kg lúa nếu đạt các quy chuẩn xuất khẩu.

"Nếu bán cho cò lái bên ngoài, giá lúa lên thì cò lái rất thích, giá sụt thì sau này mua bán rất khó khăn", ông Nguyễn Văn Minh, xã Mỹ Thuận, Hòn Đất, Kiên Giang, cho biết.

"Sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp để doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu thì sản phẩm của nông dân sẽ tiêu thụ tốt hơn, với giá tốt hơn, cũng như quy hoạch được các vùng tốt hơn. Người dân sẽ sản xuất theo đặt hàng", ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, nhận định.

Kiên Giang là địa phương có diện tích cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ nhiều nhất khu vực ĐBSCL, với tổng diện tích hơn 120.000 hecta, tăng gần 50.000 hecta so với năm 2022. 21 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã duy trì các cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết từ hơn 10 năm nay.

Giải pháp hiệu quả cho cây lúa

Liên kết trong sản xuất nông nghiệp là không mới, nhất là với cây lúa. Tuy nhiên những lúc giá lúa gạo biến động, vấn đề liên kết cần được nhắc đến. Đợt đại dịch COVID-19, nếu không làm tốt các chuỗi liên kết, hàng trăm ngàn hecta lúa ở ĐBSCL không thể tiêu thụ.

Sau vụ Đông Xuân 2010 - 2011, mô hình cánh đồng mẫu lớn lần đầu tiên được thí điểm tại An Giang với diện tích 1.200 hecta, nông dân thấy được hiệu quả, đến nay các địa phương đã nhân rộng, và đến vụ Hè Thu này, diện tích có bao tiêu sản phẩm đạt gần 200.000 hecta/vụ.

"Bây giờ việc sản xuất lúa gạo không chỉ còn là doanh nghiệp thu mua lúa gạo của bà con nông dân, mà bắt đầu từ giống, cày xới, thu hoạch, sấy… đưa ra thương hiệu lúa gạo Việt Nam nói chung, đó là một chuỗi ngành hàng. Chuỗi ngành hàng này phải dựa trên nền tảng của sự liên kết", ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định.

Liên kết theo hướng bền vững

Liên kết không chỉ giải quyết chuyện nguyên liệu, mà quan trọng hơn là đảm bảo được sản lượng lẫn chất lượng cho cả ngành hàng, hướng tới xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững. Nhìn nhận những vướng mắc để tháo gỡ kịp thời sẽ là cách giúp chuỗi liên kết lúa gạo phát triển theo hướng bền vững.

Tham dự cuộc họp, ngoài ngành nông nghiệp các địa phương của tỉnh Kiên Giang, còn có nhiều doanh nghiệp liên kết vùng nguyên liệu với nông dân, ít thì vài năm, nhiều thì hơn chục năm, đủ để họ và bà con nông dân hiểu nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn trong giai đoạn này.

"Tình hình chung của doanh nghiệp là nguồn vốn hạn chế, chủ động không kịp. Để liên kết về lâu dài cho, đề xuất hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu", ông Mai Văn Tùng, Công ty TNHH Đại Dương Xanh, nói.

"Người nông dân không phải không tin tưởng doanh nghiệp. Tuy nhiên để sử dụng đồng vốn, giải quyết đầu tư cho đầu vào sản xuất, nông dân cần có tiền ngay", ông Đào Xuân Nha, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòn Đất, Kiên Giang, cho biết.

ĐBSCL có nhiều mô hình liên kết, tiêu thụ lúa gạo. Chẳng hạn doanh nghiệp đầu tư phân, thuốc, chuyển giao kỹ thuật, đến cuối vụ thỏa thuận giá thu mua; hoặc đầu tư và bao sản lượng với giá cố định, nếu sản lượng thiếu hụt, doanh nghiệp sẽ bù lỗ cho nông dân. Ở một số nơi, doanh nghiệp đưa ra giá sàn, nếu lúa thấp hơn giá sàn sẽ được đảm bảo; còn nếu giá lên cao sẽ thỏa thuận điều chỉnh. Điểm chung ở những mô hình này là hài hòa lợi ích và chữ tín.

"Giá lúa lên cao thì doanh nghiệp cũng chia sẻ với hợp tác xã, nông dân về thương lượng giá cả. Nhưng thời điểm này là thời điểm ghi nhớ để sau này nếu có các biến động khác khi giá xuống thấp thì cũng có sự chia sẻ rủi ro với nhau, là sự đồng hành", ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định.

Trên thực tế, diện tích cánh đồng liên kết, bao tiêu ở ĐBSCL còn khá khiêm tốn so với tổng diện tích canh tác mỗi vụ, chính vì vậy cần có những trợ lực và sự vào cuộc từ nhiều phía. Thành công của mô hình vẫn dựa trên sự hài hòa lợi ích giữa các bên.

“Nhấp nhổm” theo giá gạo “Nhấp nhổm” theo giá gạo

VTV.vn - Giá gạo cao tăng khiến nhiều nơi nhấp nhổm theo, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bún, phở, bột.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước