Liên tiếp nhập khẩu LNG cho sản xuất điện

VTV Digital-Thứ hai, ngày 17/06/2024 14:16 GMT+7

VTV.vn - Mới đây, Tổng công ty Khí Việt Nam PV Gas đã đón chuyến tàu LNG thứ 5 tại cảng Cái Mép- Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để cung cấp cho một số nhà máy điện của EVN.

Việt Nam tiếp tục nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng LNG. Mới đây, Tổng công ty Khí Việt Nam PV Gas đã đón chuyến tàu LNG thứ 5 tại cảng Cái Mép- Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để cung cấp cho một số nhà máy điện của EVN. Như vậy, đến thời điểm hiện nay Việt Nam đã nhập khẩu hơn 300.000 tấn LNG. Dự kiến đến 2030, nguồn điện từ LNG chiếm 14,9% tổng quy mô. Do đó, việc nhập khẩu LNG được xem là giải pháp quan trọng để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, thúc đẩy hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại COP26.

Tàu Amani đi từ cảng Brunei mang theo gần 70.000 tấn LNG là chuyến tàu thứ 4 cập cảng Việt Nam trong năm nay. Đặc biệt, trong tháng 4 và tháng 5, đã có liên tiếp ba chuyến tàu LNG cung cấp cho các nhà máy điện trong giai đoạn cao điểm mùa khô.

Ông Phạm Nguyễn Quốc Cường - Quản đốc Kho cảng PV Gas Vũng Tàu cho biết: "4 chuyến nhập LNG về trong năm 2024 để cung cấp khí cho phát điện, đặc biệt vào cao điểm mùa khô vừa rồi. Việc vận hành nhập 4 chuyến tàu được diễn ra rất an toàn. Công tác vận hành cấp khí ổn định, đáp ứng yêu cầu phát điện của EVN trong bất kì thời điểm nào".

Tính đến thời điểm này, kho cảng LNG Thị Vải là tổ hợp LNG đầu tiên có quy mô lớn ở Việt Nam. Hệ thống này sẽ bổ sung nguồn cung khoảng 1,4 tỷ m3 khí và trở thành mắt xích quan trọng trong việc cung cấp khí cho Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4. Để đáp ứng nhu cầu trong định hướng chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, PV Gas cho biết sẽ hướng tới kinh doanh và phát triển LNG theo mô hình kho cảng trung tâm, các sản phẩm năng lượng xanh hydrogen và ammonia và thu hồi carbon từ các nguồn phát thải.

Ông Phạm Văn Phong - Tổng Giám đốc- Tổng Công ty Khí Việt Nam chia sẻ: "Nhà đầu tư hạ tầng về LNG đảm bảo sẽ tiết kiệm tài nguyên, chúng tôi sẽ đầu tư các kho LNG Hub từ các kho tập trung như vậy, phân phối được cho các nhà máy điện riêng lẻ và hạn chế việc chúng ta phải xây dựng quá nhiều các kho cảng. Nhu cầu về LNG với quy hoạch điện VIII và với sự phát triển của các ngành công nghiệp sử dụng LNG nói riêng nên chắc chắn tiềm năng về lĩnh vực LNG rất lớn".

Ông Johan Petter Tutturen - Phó Chủ tịch công ty Tư vấn Năng lượng DNV GL- Na Uy nhận định: "Bên cạnh các khung pháp lý hiện có, để phát triển thị trường LNG, tập trung vào ba lĩnh vực gồm hỗ trợ tài chính, xây dựng năng lực và phát triển thị trường. Tôi cho rằng nếu xây dựng các cơ chế nhằm khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng, cùng với các quy định cụ thể về cơ chế giá, nguyên tắc về cước phí góp phần xây dựng thị trường kinh doanh LNG minh bạch, công bằng và bền vững".

Quy hoạch điện VIII cũng xác định mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây mới 13 nhà máy điện khí LNG, với tổng công suất khoảng 22,4 GW. Để thực hiện mục tiêu này sẽ cần có nhiều cơ chế, chính sách, trong đó quan trọng hàng đầu là việc thiết lập các thỏa thuận về giá điện giữa chủ đầu tư nhà máy điện khí với công ty mua điện, đảm bảo lợi tức ổn định cho các nhà phát triển dự án.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước