50 triệu thông tin khách hàng sử dụng mạng xã hội lớn nhất hành tinh này đã bị tiếp cận một cách trái phép. Vụ bê bối trên đang làm dấy lên câu hỏi về cách thức kinh doanh thông qua việc khai thác dữ liệu người dùng của Facebook.
Vụ bê bối 50 triệu dữ liệu người dùng Facebook được tờ New York Times, The Telegraphs... phanh phui cuối tuần qua và nhanh chóng lan rộng.
Theo đó, năm 2014, một giáo sư đến từ Cambridge đã phát triển một ứng dụng trên Facebook nhằm tìm hiểu hành vi người dùng. 270.000 người được trả tiền để tải ứng dụng về và sử dụng nó.
Vị giáo sư này có quyền truy cập thông tin của không chỉ cá nhân người dùng mà còn cả danh sách bạn bè của họ. Do vậy, số lượng tài khoản có thể được tiếp cận đã lên tới 50 triệu.
Tuy nhiên, một chi tiết bất ngờ là vị giáo sư này đã bán lại toàn bộ dữ liệu trên cho một hãng phân tích tại Anh có tên Cambridge Analytica. Đây cũng chính là công ty đứng đằng sau các chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên mạng xã hội năm 2016. Điều này vi phạm chính sách chia sẻ và bảo mật thông tin người dùng với bên thứ 3 của Facebook.
Sự việc nghiêm trọng hơn khi Facebook đã biết và cảnh báo việc phải xóa dữ liệu của 50 triệu khách hàng trên vào năm 2015, thế nhưng các bên đã không tuân thủ và Facebook cũng không đi đến cùng để bảo vệ dữ liệu khách hàng.
Trên thực tế, việc sử dụng Facebook hiện nay là hoàn toàn miễn phí, nhưng đổi lại theo quy định về thành lập tài khoản, người dùng Facebook sẽ phải chia sẻ thông tin cá nhân của mình với Facebook và có thể là với cả các bên đối tác của trang mạng này. Rõ ràng đây là thỏa thuận win-win, đôi bên cùng có lợi. Vậy với lượng dữ liệu 2,2 tỷ tài khoản như hiện nay, Facebook đang kinh doanh nó như thế nào?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!