Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia và thích ứng tốt với xu hướng thương mại điện tử xuyên biên giới. Ảnh: TL
Cơ hội "vàng" không thể bỏ lỡ
Theo thống kê, hơn 17 triệu sản phẩm Việt được xuất khẩu trực tuyến, tăng 50% về giá trị và tăng 40% về số đối tác. Tổng quan, thương mại điện tử xuyên biên giới đã tăng trưởng 26%.
Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mây tre, Công ty sản xuất và xuất khẩu Mây tre (Hà Nội) có quy mô nhỏ, nguồn tài chính chưa lớn và ổn định…Trong nhiều năm qua, sản phẩm công ty sản xuất ra chỉ phục vụ thị trường trong nước và theo đơn đặt hàng nhỏ lẻ của một số doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, khi biết đến thương mại điện tử xuyên biên giới, công ty đã nhanh chóng xây dựng hệ thống mạng, quảng bá sả phẩm trên các sàn thương mại online và bước đầu đã có được những đơn hàng xuất khẩu từ năm 2024.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty sản xuất và xuất khẩu Mây tre (Hà Nội) chia sẻ, nếu như thời gian trước đây, để xuất khẩu hàng hóa, doanh nghiệp phải chuẩn bị rất nhiều yếu tố nền tảng tốn kém chi phí và gặp không ít khó khăn lớn trong việc tìm kiếm đối tác, thị trường… thì đến nay, nhờ có thương mại điện tử, doanh nghiệp tiếp cận được một lượng lớn người tiêu dùng trên toàn thế giới, qua đó có thể xuất khẩu trực tuyến một cách đơn giản, dễ dàng. Có thể nói, thương mại điện tử xuyên biên giới là con đường nhanh nhất để đưa hàng hóa ra thế giới và là "cứu cánh" cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh thương mại hóa, toàn cầu hóa.
Thương mại điện tử xuyên biên giới là con đường nhanh nhất để đưa hàng hóa ra thế giới. Ảnh: TL
Bàn về câu chuyện này, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, xuất khẩu trực tuyến là xu thế tất yếu. Các doanh nghiệp ngày càng thấy rõ không thể đi ngoài xu thế nếu muốn tồn tại và phát triển. "Thương mại điện tử xuyên biên giới là phương thức đa dạng hoá kênh và cách thức để doanh nghiệp tìm kiếm bạn hàng và đơn hàng nhanh chóng. Doanh nghiệp có thể ngồi một chỗ và nhờ công nghệ để tiếp cận tới mọi thị trường, thực hiện các giao dịch kinh doanh hiệu quả. Việt Nam đang ở "giai đoạn vàng" để xuất khẩu trực tuyến tăng trưởng và doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này, nhất là khu vực DNNVV", ông Phong nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên VTV Times, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia và thích ứng tốt với xu hướng thương mại điện tử xuyên biên giới. Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đã đạt mức thâm nhập khá cao trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới. Theo thống kê từ khảo sát, có tới hơn một nửa doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến qua thương mại điện tử, số còn lại sử dụng website hoặc ứng dụng tự xây dựng.
"Việt Nam có thuận lợi lớn khi tỷ lệ dùng mạng xã hội cao, thương mại điện tử bùng nổ mạnh mẽ và Chính phủ đang tập trung đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Hệ thống chính sách pháp luật được hoàn thiện, môi trường kinh doanh minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến, giao dịch thông suốt và an toàn. Bên cạnh đó, nước ta tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có nhiều cam kết và cơ hội tham gia mở rộng thương mại điện tử với các quốc gia thành viên. Trước hết là được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan, ưu đãi thủ tục hải quan theo các điều khoản cam kết chung của các FTA…Do đó, các doanh nghiệp đều có cơ hội bình đẳng vươn tới thương mại toàn cầu trên tất cả các góc độ, thời gian, không gian nếu biết chủ động nắm bắt", bà Oanh phân tích thêm.
Doanh nghiệp cần chuẩn bị hành trang gì để lên "cao tốc" thương mại điện tử xuyên biên giới?
Dù có nhiều thuận lợi, song, theo các chuyên gia, DNNVV hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, triển khai ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới do hạn chế về kiến thức và kỹ năng số, năng lực cạnh tranh chưa cao, thiếu thông tin thị trường, pháp lý, thuế quan, logistics. Đặc biệt, những yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng của thị trường nhập khẩu khiến doanh nghiệp chưa thể đáp ứng trong "một sớm một chiều".
"Chúng ta đều nhìn thấy, lợi thế là hàng Việt hiện tại chính là về giá cả, về chủng loại sản phẩm và mẫu mã. Nhiều doanh nghiệp Việt đã bắt đầu tiếp cận, học hỏi và ứng dụng những xu hướng mới vào trong thiết kế để tạo ra những sản phẩm đa dạng, nâng cao năng lực cạnh tranh...Tuy nhiên, vẫn còn đa số DNNVV chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường và gặp khó khăn trong việc thu thập, phân tích dữ liệu để hiểu rõ thị trường quốc tế...", ông Phong đánh giá.
Để đưa sản phẩm của mình đi xa hơn trên thị trường quốc tế, cộng đồng DNNVV phải nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao về chất lượng sản phẩm, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, yêu cầu của đối tác và liên tục tìm cách hạ giá thành sản xuất để tăng sức cạnh tranh đối với đối thủ. Chìa khóa giải quyết bài toán này chính là đầu tư máy móc công nghệ tiên tiến hơn và biết cách xây dựng, quảng bá thương hiệu hiệu quả.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng băn khoăn với những hợp đồng hàng hóa, trị giá lớn thì việc giao dịch qua sàn thương mại điện tử chưa thuận tiện, do những hạn chế trong việc thu phí cao, giới hạn giá trị giao dịch...
Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế Số cho hay, để phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới trong thời gian tới, ngành Công thương sẽ đẩy mạnh kết nối khai báo thuế cho thương mại điện tử xuyên biên giới và tập trung phát triển, tối ưu hóa hệ thống logistics, thanh toán phục vụ thương mại điện tử xuyên biên giới…Đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan, hiệp hội, ngành hàng để hỗ trợ DNNVV và siêu nhỏ tìm kiếm cơ hội xuất khẩu trực tuyến, đưa hàng Việt hiện diện nhiều hơn tại thị trường quốc tế...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!