Liên quan đến hai vụ án lừa đảo nghiêm trọng xảy ra trên không gian mạng mà công an Hà Nội vừa triệt phá, nhất là đường dây do Phó Đức Nam cầm đầu với tổng giá trị tài sản và số tiền thu giữ lên đến hơn 5.200 tỷ đồng.
Các vụ lừa đảo này đều được thực hiện dưới hình thức thành lập các công ty không đăng ký hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán hay tài chính, nhưng các đối tượng vẫn tiến hành tuyển dụng nhân viên để hoạt động trong lĩnh vực giao dịch ngoại hối và chứng khoán. Điều này cho thấy những lỗ hổng pháp lý trong lĩnh vực này.
Công khai tư vấn, hỗ trợ đầu tư tài chính, hoạt động chào mời tham gia thị trường từ những đối tượng tự xưng là nhân viên môi giới sàn giao dịch đầu tư quốc tế diễn ra tràn lan và công khai trên các nền tảng mạng xã hội, chỉ tính riêng trong đường dây của Phó Đức Nam đã có khoảng 1.000 nhân viên hoạt động tại 44 văn phòng trên cả nước. Thiếu cơ sở pháp lý đối với hoạt động tư vấn, môi giới đầu tư chứng khoán mang danh nghĩa quốc tế chính là lỗ hổng để các đối tượng lợi dụng với mục đích lừa đảo.
Anh Lưu Chí Kháng - Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam chia sẻ: “Quy định trong nước về tư vấn và môi giới đầu tư chứng khoán rất chặt, rất nhiều quy định chặt chẽ của Uỷ ban chứng khoán nhà nước trong khi đầu tư chứng khoán nước ngoài, quốc tế thì hầu như không có quy định nào. Đây là lỗ hổng các đối tượng có thể tham gia và lôi kéo các nhà đầu tư”.
Tổng giá trị tang vật hơn 5.200 tỷ đồng thu giữ được trong vụ án Phó Đức Nam hầu hết là của hai đối tượng cầm đầu. Việc sở hữu lượng tài sản lớn như vậy đặt ra câu hỏi về công tác kiểm soát nguồn tiền từ hoạt động phi pháp của các đối tượng lừa đảo.
Luật sư Trương Thanh Đức - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nêu ý kiến: “Chúng ta có những quy định là hàng xách tay 500 USD sẽ phải nộp thuế, nhưng những hàng dịch vụ, đặc biệt là mảng công nghệ, tiền ảo, chứng khoán thì không có quy định mua bao nhiêu hàng, doanh thu thế nào, thu nhập thế nào phải nộp thuế, thành ra người dân rất nhiều người thực hiện, các đối tượng làm trung gian lợi dụng, nắm được kẽ hở pháp luật, có thể nói là tự tung tự tác”.
Việc dễ dàng chuyển tiền trực tuyến từ pháp nhân cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng các đối tượng dùng công ty ma để chuyển tiền lừa đảo trên không gian mạng.
Thượng tá Lê Văn Dĩnh - Phó Trưởng Phòng 3, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết: “Lợi dụng liên quan đến một số quy định về tài khoản pháp nhân, đối tượng yêu cầu chuyển vào chưa quy định chặt chẽ về người đại diện pháp nhân phải thực hiện vấn đề đăng ký để xác định xác thực khuôn mặt để chuyển tiền nên cũng là kẻ hở trong đó”.
Theo thống kê năm 2023 của Bộ Công an, tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, có tới 91% vụ lừa đảo liên quan đến tài chính, 73% người dùng bị lừa qua hình thức tin nhắn, cuộc gọi khi dùng mạng xã hội, điện thoại di động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!