Lỗ hổng trong triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ bảy, ngày 25/04/2020 14:44 GMT+7

VTV.vn - Lỗ hổng nào đã mở đường cho các công ty lớn tại Mỹ giành được suất hỗ trợ của các doanh nghiệp nhỏ?

Gần 31triệu doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ, chiếm 99,9% số doanh nghiệp nước này liên tục kêu cứu do những tác động của dịch COVID-19. Trước tình cảnh này, 660 tỷ USD đã và đang được bơm ra dành riêng cho nhóm doanh nghiệp xương sống thông qua Chương trình bảo vệ tiền lương - Paycheck Protection Program (viết tắt PPP). Trong đó, phần lớn các khoản cứu trợ đến tay doanh nghiệp nhỏ dưới hình thức cho vay miễn hoàn trả.

Đối tượng doanh nghiệp nhỏ gồm:

- Quy mô doanh nghiệp ít hơn 500 nhân viên

- Hộ kinh doanh cá thể

- Những nhân viên làm việc hợp đồng thời vụ

- Những người làm nghề tự do, tài xế Uber hay Lyft

- Ngoại lệ: Các doanh nghiệp lớn trong ngành dịch vụ lưu trú và cung cấp thực phẩm

Giá trị khoản vay sẽ gấp 2,5 lần số tiền mà chủ doanh nghiệp chi trả lương mỗi tháng, tối đa là 10 triệu USD. Trong đó, tối thiểu 75% số tiền vay mượn phải dùng để trả cho tiền lương nhân viên (bao gồm thưởng, tiền bảo hiểm sức khỏe…). Tối đa 25% còn lại được dùng để trả tiền thuê mặt bằng, điện, nước…

Nếu đối tượng vay dành hơn 25% tiền cho các mục đích trên thì sẽ chịu lãi suất 1% cho khoản chênh lệch. Ngoài ra, không có yêu cầu cụ thể nào khác dành cho những đối tượng được vay. Việc duy nhất họ cần xác nhận trong tờ khai là dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của họ. Đơn đăng ký sẽ được chấp nhận từ 3 /4 - 30/6

Tuy nhiên, lỗ hổng pháp lý về đối tượng tham gia chương trình bảo vệ tiền lương được ví như con voi chui lọt lỗ kim. Theo tiết lộ của Morgan Stanley, có tới 150 doanh nghiệp đại chúng Mỹ vay được tới 550 triệu USD thông qua Chương trình bảo vệ tiền lương PPP. Dù họ là chuỗi khách sạn, nhà nghỉ và các nhà hàng song thực tế, mỗi địa điểm này thường sử dụng ít hơn 500 nhân viên. Sốc nhất hiện nay là chuỗi nhà hàng chuyên bò bít tết Ruth Chris Steak House đã đút túi tới 20 triệu USD tiền hỗ trợ thông qua 2 khoản vay riêng biệt từ 2 công ty con của mình.

Lỗ hổng thứ hai xoay quanh nghi vấn các ngân hàng cố tình gây xáo trộn trong việc xét duyệt các hồ sơ xin vay tiền từ các chủ doanh nghiệp nhỏ. 4 ngân hàng lớn nhất Mỹ là JPMorgan Chase, Bank of America, WellsFargo và US Bank đã phải nhận đơn kiện từ một nhóm các doanh nghiệp nhỏ tại bang California với cáo buộc có hành vi gian dối khi xét duyệt đơn cho vay. Họ cho rằng ngân hàng chỉ chăm chăm lo xử lý các khoản vay lớn, thay vì làm đúng theo tiêu chí của chính phủ là "người nào đến trước, được duyệt trước".

Theo phân tích, các ngân hàng Mỹ có thể thu về khoản phí giải ngân khổng lồ, hơn 10 tỷ USD từ quá trình xét duyệt hồ sơ cho vay. Với mỗi giao dịch vay thành công, các ngân hàng sẽ thu được từ 1%-5% phí xử lý, tùy thuộc vào số tiền vay mượn. Nếu vay ít hơn 350.000 USD, chi phí xử lý là 5%. Từ 2 triệu - 10 triệu USD, phí xử lý là 1%. Mặc dù phí xử lý có ít hơn nhưng vì số tiền vay lớn nên tổng chi phí ngân hàng thu lại được vẫn hời hơn so với các khoản vay nhỏ.

Với 2 lỗ hổng kể trên nên 349 tỷ USD được giải ngân hết sạch chỉ trong vòng 14 ngày. Đây được coi là tốc độ cho vay kỷ lục của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ Mỹ. Bởi 349 tỷ USD cũng chính là số tiền hiệp hội này đã hỗ trợ cho vay với doanh nghiệp nhỏ trong suốt 14 năm qua.

Có thể thấy, không dễ cạnh tranh để nhận được tiền hỗ trợ từ chính phủ thế nhưng với nhiều doanh nghiệp nhỏ tại đây, kể cả khi nhận được tiền, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Họ đang phải sống lay lắt chứ chưa trông mong gì vào một sự hồi phục do các khoản vay hỗ trợ trong Chương trình bảo vệ tiền lương PPP phần lớn dành trả lương cho nhân viên, nên các khoản chi khác như tái đầu tư hoạt động nếu muốn sử dụng cũng bị giới hạn theo tỷ lệ. Do đó, nhiều doanh nghiệp không cảm thấy hài lòng với chương trình cho vay này, đặc biệt là những doanh nghiệp tiền lương chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ.

Theo USA Today, kế hoạch trợ giúp của chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện mới chỉ hướng đến việc tạm bảo vệ tiền lương cho người lao động, chứ chưa thể giúp các doanh nghiệp tồn tại. Chính phủ Mỹ đang đẩy nhanh việc giải ngân thêm 310 tỷ USD cho chương trình PPP nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ chưa tiếp cận được nguồn vốn này trước đó. Tuy nhiên, nếu những bất cập trên không sớm được điều chỉnh, số tiền hỗ trợ dù có lớn đến đâu cũng khó có thể giúp các doanh nghiệp nhỏ tồn tại qua giai đoạn khó khăn này.

Tổng thống Mỹ ký luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và các bệnh viện Tổng thống Mỹ ký luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và các bệnh viện

VTV.vn - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua Dự luật trị giá 484 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và các bệnh viện đang phải chịu sức ép lớn của dịch COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước